Bài 1: Nâng thu nhập người dân, tiết giảm chi phí xã hội
1 tổ và nhiều vai
Những ngày cuối tháng 12 này, xã Phan Điền, huyện Bắc Bình đã nắm chắc kết quả về đích xã nông thôn mới. Với xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số đạt kết quả này trong bối cảnh 2 xã đồng bằng khác cùng huyện chưa về đích được như kế hoạch là niềm vui không bờ bến. Qua đó khiến không ít người đặt câu hỏi nhờ đâu, khi mặc nhiên trong suy nghĩ rằng vùng đồng bào dân tộc thiểu số bao giờ cũng có tỷ lệ hộ nghèo cao, những căn nhà tạm, kể cả dột nát… và biết những yêu cầu đặt ra với 1 xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 không đơn giản. Thế nhưng, qua báo cáo kết quả thực hiện nông thôn mới của UBND xã Phan Điền rất dài, trình bày theo cách “có sao nói vậy” thì mới thấy bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước là sự “đảm đang, bao quát” của tổ khuyến nông cộng đồng (KNCĐ) xã Phan Điền.
Tổ này được xã thay người, chỉnh đốn mấy bận từ khi được thành lập vào năm 2022 đến nay. Theo chức năng, nhiệm vụ cho thấy tổ KNCĐ thực hiện 8 hoạt động tại xã. Không chỉ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp; tham gia đào tạo, tập huấn cho nông dân mà tổ còn tư vấn trên nhiều lĩnh vực như thành lập, phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác; liên kết sản xuất, kết nối thị trường; quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc; tư vấn về chính sách cho hợp tác xã, tổ hợp tác. Ngoài ra, tổ KNCĐ Phan Điền còn làm dịch vụ giống, vật tư, thiết bị nông nghiệp, bảo vệ thực vật, thú y; tham gia các hoạt động phát triển cộng đồng tại địa phương.
Với chừng ấy nhiệm vụ, tổ KNCĐ Phan Điền đã góp phần quyết định nâng thu nhập người dân xã Phan Điền lên 50,24 triệu đồng/người/năm 2024, khi trên địa bàn xuất hiện nhiều sản phẩm không đơn thuần là lúa, bắp, gà, bò… mà đang hình thành ban đầu về cách thức của chuỗi giá trị từ các cây trồng, vật nuôi này. Có thu nhập khá, người dân trong xã cũng cải thiện nhà ở nên đến giờ, Phan Điền không còn nhà tạm, nhà dột nát, đạt yêu cầu của tiêu chí nhà ở…
Từ đây, cũng có cơ sở để tính hiệu quả mang lại từ các mô hình mà Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện trong năm 2024, thông qua tổ khuyến nông cộng đồng tại các xã triển khai mô hình. Cụ thể như tại xã Bắc Ruộng, huyện Tánh Linh, đơn vị đã xây dựng mô hình “Trình diễn sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương – Cánh đồng không dấu chân” và “Trình diễn áp dụng một số giống lúa mới chất lượng cao” với quy mô 25 ha cho 29 hộ dân trong 4 tháng (từ 9 - 12/2024). Kết quả, năng suất mô hình VietGAP tăng hơn 3 tạ/ha, lợi nhuận tăng gần 5 triệu đồng/ha (chiếm 33,5%) và tiết kiệm 50% lượng giống so với sản xuất truyền thống. Riêng mô hình trình diễn giống lúa mới, năng suất bình quân 66,5 tạ/ha (sạ 120 kg/ha) so với ruộng sản xuất truyền thống năng suất đạt 64,6 tạ/ha (sạ bình quân 220 kg/ha). Trong khi đó, tại xã Sùng Nhơn, huyện Đức Linh, mô hình lúa VietGAP hoặc tương đương – cánh đồng không dấu chân thực hiện trên 20 ha trong vụ mùa cho kết quả tương tự, với giảm được 50 - 60% lượng giống gieo sạ, lợi nhuận mang về cao hơn 38,69% so với ruộng ngoài mô hình.
N hiệu quả trong 1 thay đổi
Không chỉ là những con số cụ thể về hiệu quả kinh tế thu về trên, các mô hình này còn đem lại hiệu quả trên nhiều mặt khác nhau. Theo phân tích của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, thông qua các mô hình, bà con nông dân đã nắm bắt tiếp thu được “Kỹ thuật sản xuất lúa theo tiêu chuẩn bền vững SRP” và tiếp cận ghi chép nhật ký sản xuất điện tử để truy xuất nguồn gốc. Song song, nông dân biết áp dụng việc bón lót phân hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học, qua đó góp phần cải tạo đất, tăng độ phì nhiêu, nâng cao năng suất… Không chỉ thế, qua mô hình, còn giúp người dân trong vùng biết cách quản lý đồng ruộng, bảo vệ môi trường và nâng nhận thức trong sản xuất nông nghiệp hiện đại với sự trải nghiệm và chứng kiến áp dụng đồng bộ cơ giới hóa từ khâu làm đất, gieo sạ, phun thuốc bằng máy bay, thu hoạch hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, toàn diện và không bị ảnh hưởng đến sức khỏe.
Kết quả trên có được phải ghi nhận sự phối hợp của các tổ khuyến nông cộng đồng tại xã trong vận động, hướng dẫn người tham gia mô hình thực hiện các bước trong sản xuất tiên tiến theo sự ngắn gọn, dễ hiểu. Đó là 1 phải, 6 giảm, tức phải sử dụng giống xác nhận; 6 giảm gồm: Giảm lượng giống, phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới, thất thoát sau thu hoạch để tăng lợi nhuận cho nông dân; hướng đến giảm lượng khí phát thải nhà kính góp phần bảo vệ môi trường. Hay nói cụ thể, chỉ cần thay đổi trong sản xuất theo hướng sạ từ 10 - 12 ký giống xác nhận/ha, tưới ướt khô xen kẽ… thì sẽ tiết kiệm từ 2 - 2,5 triệu đồng/ha.
“Nông dân thường hay ngại thay đổi nhưng khi thấy hiệu quả rõ rệt thì sẽ chuyển theo rất nhanh. Vì thế, trách nhiệm của tổ khuyến nông cộng đồng là nói cho dân hiểu, giải đáp những thắc mắc và đồng hành với sự thay đổi trên, trước hết tạo ra kết quả sản xuất, chăn nuôi cụ thể. Đây cũng là thước đo để xã được công nhận tiểu tiêu chí 13.5 về có tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới” – đại diện một tổ khuyến nông cộng đồng nói.
Hiện phần lớn các xã trong tỉnh đạt tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, bất kể về đích hay chưa về đích xã nông thôn mới. Bởi thực tế, ở nông thôn, kinh tế vẫn là sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi nên đó là hướng phải phát triển lâu nay. Nhưng điều đáng quan tâm là trong năm nay, sự nổi bật trong kinh tế nông thôn với nhiều sản phẩm được mùa, được giá, các tổ khuyến nông cộng đồng đã làm thế nào?
Nếu triển khai sạ thưa từ 30 - 50% trên tổng 130.000 ha lúa sản xuất trong tỉnh là tiết kiệm cho dân Bình Thuận hơn 100 tỷ đồng. Đồng thời, theo đó lợi nhuận trồng lúa sẽ cao hơn theo cấp số nhân, khi tính năng suất tăng và giá thành giảm.