Đề tài trên sẽ do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh thực hiện, Chủ nhiệm đề tài là PGS.TS Thành Phần – Phó Giám đốc Trung tâm. Thời gian dự kiến trong 18 tháng, bắt đầu từ tháng 11/2012 đến tháng 5/2014, tổng kinh phí thực hiện là 510.000.000 đồng.
Với mục tiêu của đề tài là thực hiện việc triển khai sưu tầm các loại hình hát ngâm “Hari”, một loại hình văn hóa dân gian (folklore) truyền thống, nhằm góp phần ngăn chặn kịp thời tình trạng mất dần và có nguy cơ mất hẳn kho tàng văn hóa dân gian độc đáo của tộc người Raglai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.Qua đó, nghiên cứu và giới thiệu rộng rãi cho mọi tầng lớp nhân dân về một loại hình hát ngâm “Hari” nhằm phát huy giá trị văn hóa dân gian đặc sắc của tộc người Raglai. Tạo điều kiện cho các em học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên Raglai có cơ hội tiếp cận, kế thừa và hưởng thụ di sản văn hóa phi vật thể của chính dân tộc mình nhằm tạo ý thức và trách nhiệm trong việc bảo tồn, giữ gìn cũng như phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cha ông. Cung cấp các thông tin bổ ích về tư liệu khoa học cho việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa, xã hội của người Raglai nói chung và góp phần bổ sung thêm cứ liệu khoa học cho việc nghiên cứu ngôn ngữ, phong tục, tập quán, văn học, truyện cổ, huyền thoại, truyền thuyết, ca dao, tục ngữ, giáo dục truyền thống của tộc người Raglai đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Kết quả nghiên cứu khoa học là cơ sở để ngành khoa học và công nghệ, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh xem xét, đề xuất các giải pháp bảo tồn loại hình hát ngâm “Hari” của tộc người Raglai.
Anh Minh