Thông tin được chia sẻ chóng mặt nhưng hoàn toàn sai sự thật. |
Tung tin đồn “câu like”
Không thể phủ nhận những lợi ích mà mạng xã hội mang lại, với những tính năng không biên giới, mạng xã hội đã trở thành công cụ để đưa thế giới xích lại gần nhau hơn. Tuy nhiên, cũng từ khi có mạng xã hội, mặt trái của nó cũng bắt đầu lan rộng khi những người dùng mạng xã hội thiếu ý thức. Cách đây không lâu, trên facebook lan truyền thông tin có trẻ em bị bắt cóc ở xã Chí Công - huyện Tuy Phong. Chưa biết thực hư ra sao nhưng lượt xem và chia sẻ đã tăng chóng mặt gây hoang mang, ngờ vực trong cộng đồng. Vào tháng 5/2017, thông tin và hình ảnh một phụ nữ treo cổ ở khu rừng Thác Bà – huyện Tánh Linh cũng được lan truyền trên facebook của một cá nhân, khiến cư dân địa phương bàn tán xôn xao. Sau khi công an vào cuộc xác minh, mới hay cô gái trẻ treo cổ là có thật nhưng ở rừng tràm xã An Thạnh, Tây Ninh chứ không phải trên địa bàn huyện Tánh Linh.
Mới đây nhất, vụ 2 cô gái bị cho là có hành vi cưỡng hiếp khiến nam thanh niên ở Bình Thuận tử vong đã được đăng tải không có kiểm chứng, thực sự làm gia đình những người liên quan mệt mỏi, bức xúc. Sau khi xác minh, Đại tá Nguyễn Văn Loan - Trưởng Công an huyện Tánh Linh khẳng định trên địa bàn huyện không hề xảy ra sự việc trên. “Nạn nhân” P.M.V (xã Huy Khiêm) vẫn khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường. Riêng 2 cô gái được cho là “hung thủ”, đang sống trong khủng hoảng tinh thần, cuộc sống bị đảo lộn vì tin đồn thất thiệt. Gia đình 2 cô gái đã trình báo lên cơ quan chức năng đề nghị điều tra làm rõ.
Có thể thấy, bên cạnh việc một số người đã đưa thông tin một cách vô thức hoặc do nhận thức còn hạn chế, thì hành vi lợi dụng mạng xã hội để tung tin thất thiệt, tin giật gân nhằm mục đích câu like, thu hút quảng cáo, tăng lượng truy cập cho những trang facebook bán hàng online đang có xu hướng lan truyền như một “bí quyết” của những người kinh doanh vô đạo đức.
Tỉnh táo trước các nguồn tin
Theo các ngành chức năng, hành vi đưa thông tin xuyên tạc, sai sự thật lên các trang mạng xã hội của một số đối tượng là hành vi bị nghiêm cấm. Người nào thực hiện hành vi này tùy theo tính chất, mức độ, mục đích có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Trước tình hình này, người dân cần cảnh giác những tin đồn thiếu cơ sở. Mỗi người dân cần tích cực cộng tác, phối hợp với cơ quan chức năng, lên án những hành vi cố tình lan truyền thông tin thất thiệt gây hoang mang, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và trật tự xã hội.
Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ vào đầu tháng 7, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, thời gian qua, bộ đã triển khai cơ chế liên quan đến việc gỡ bỏ thông tin xấu độc trên mạng xã hội. Đến nay, các cơ quan chức năng đã đề nghị và gỡ bỏ được 2.004 video xấu độc trên Youtube. Về phía facebook cũng cam kết phối hợp với bộ ưu tiên gỡ bỏ tài khoản giả danh, giả mạo các cá nhân, tổ chức; đồng thời thiết lập một kênh riêng ưu tiên đăng các yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đến nay, theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức đã gỡ bỏ 106 tài khoản facebook giả mạo, một kênh phản động với 500 video, 132 tài khoản phản động nói xấu lãnh đạo cấp cao…
Theo khoản 2, Điều 9, Nghị định 28/2009/NĐ-CP và Nghị định 63/2007/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực CNTT, hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín danh dự, nhân phẩm người khác” có thể bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng. Người nào tung tin đồn thất thiệt xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của một tổ chức, cá nhân cụ thể thì tổ chức, cá nhân đó có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu người tung tin phải xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại theo quy định. |
M.Vân