Theo dõi trên

Tam Đảo, sương…

07/04/2017, 10:54 - Lượt đọc: 54

BT- Bảo hòa. Cân bằng. Che đậy. Và để nhận ra từ một cách nhìn khác. Nói thế để biết rằng sương ở đây dày đặc, triền miên và mơ màng đến mức nào, nó bao trùm, nó ngự trị, nó len lỏi vào tận các ngóc ngách, vào áo xống, vào da thịt và vào cả tâm hồn con người. Một làn hương trắng đục tưởng chỉ có trong cổ tích. Một chiếc khăn trắng đục sũng lạnh choàng lên vạn vật tưởng chỉ có trong cổ tích. Một làn áo mỏng thoắt ẩn thoắt hiện cơ thể những lâu đài, biệt thự cổ xưa trên lưng chừng trời tưởng chỉ có trong cổ tích. Thế đấy, nó như dòng điện lạnh nửa làm co rút con người ta lại, nửa như muốn dựng người dậy trong cơn mộng du của cô đơn, của buốt giá, của khát khao, của những nỗi lòng thầm kín. Nó, thứ mây trắng gần gũi là là trên tay, ma mị tâm hồn. Nó đấy, sương Tam Đảo.

                                           
Khu nghỉ dưỡng Tam Đảo trong sương mù buổi    sáng.
   
Mờ sương Tam Đảo.

Tôi ném luôn chút chần chừ còn lại ra khỏi đầu óc mình, khoác thêm áo và mở cửa dấn bước vào trong bồng bềnh mịt mù xứ núi, cái xứ mà "Kiến văn tiểu lục" mô tả "Ba ngọn đột khởi cao vót đến mây xanh", là ba ngọn Thạch Bàn, Thiên Thị, Máng Chỉ nổi tiếng mà tôi đang đặt chân trên “lởm chởm trời cao” đây. Cách năm ba bước chân đã không thấy gì, khi tới gần một bên tôi mới khựng lại vì đột ngột hiện ra con đường rẽ hun hút xuống dưới kia với hàng trăm cấp đá phủ rêu và phủ sương. Ở lưng chừng con đường xuống trần gian ấy có một đôi tình nhân đang đứng hôn nhau đắm đuối. Nụ hôn gắn chặt hai tâm hồn kia lâu đến mức đã làm tôi ngờ ngợ phải chăng là pho tượng đá vô ngôn được khắc vào nơi trời đất liền nhau một màu trắng sữa này, họ là biểu tượng tình yêu vĩnh hằng, là thông điệp tối hậu về ý nghĩa đời người mà Thượng đế trìu mến gửi xuống thế gian.

Vòng vèo qua cả ba chiếc cầu Mặt Quỷ, tôi vẫn đang lơ lửng trong chốn sương mù. Một ngôi nhà rêu và những lùm cây xám đen mọc từ cửa sổ, mọc phủ um tùm trên ngôi nhà cụt đầu nhô trơ trọi một góc nền trời làm cho người có trí tưởng tượng kém cỏi là tôi cũng phải nghĩ tới một thế giới nào đó đã bị bỏ quên trong biển sương này ít nhất đã ngàn năm. Đâu đó trong góc tường rệu rã, trong chùm rễ đan bện vướng víu là những câu thơ buồn, những lời nguyền đau rạch khắc vỡ cả rêu xanh hoặc giả một ánh mắt ngóng đợi đã ngưng, đã lặng, đã vàng - hóa- thạch. Và kia nữa, hai nữ nhân đang lom khom bên những giàn su thấp lè tè nối nhau theo hình chữ chi dọc theo sườn đồi, khi ẩn khi hiện. Họ đang cắt dọn những dây su su già cỗi, chuẩn bị xuống giống cho vụ su đón khách du lịch mùa hè. Bàn chân tôi như đang chết đuối trong sương chợt hân hoan ráo hoảnh, thích thú vì tầm mắt hữu hạn của mình lại đang từng lúc, từng lúc dẫn sâu trang sách Tam Đảo sinh động mà mới vừa đây tôi đã nghĩ chỉ là một trang trắng thênh thang.

Là nghĩ vẩn vơ thế thôi nhưng những người đàn bà trồng su su trong làn sương dày đặc, mù mịt ở đây không có chút ý niệm gì về những điều tôi vừa nói. Họ chỉ có một mối bận tâm duy nhất là những giàn su su của họ, là tiền trường cho con, là tiền gạo, nước, điện đóm ánh sáng cho gia đình. Nếu có chút gì đó chạnh lòng hay bâng khuâng, những thoáng gợi lên riêng tư nỗi niềm đều bị nhấn chìm đi bởi những lo lắng, lo toan, lo nghĩ, bị nhấn chìm nhanh chóng trong làn sương se lạnh mà hiển hiện của trách nhiệm, của sự an phận vén vun nơi những tổ ấm đỏ lửa sáng đèn. Đời sống của những thói quen truyền đời trong cái thùng sữa Tam Đảo khổng lồ này dạy cho người ta biết lớn khôn, biết máu thịt từ, trong và với cái nôi sương trắng của mình, máu thịt từ khi mới lẫm chẫm bước những bước chân trần đầu tiên chạm lạnh trên cái nền đá ẩm ướt, trên những khu đồi núi chén úp nối nhau xuống lên lên xuống tựa chốn bồng lai có thật này.

Một bó đọt su su cắt ngắn giá 20 ngàn đồng.

Bó su dài giá 15 ngàn đồng.

Giá trị thực tế cụ thể này đang nuôi sống những con người ở đây, đang nuôi dưỡng cuộc sống ở đây và chắc chắn nó, những đọt su xanh đã góp phần vào lịch sử phát triển của vùng đất du lịch Tam Đảo. Vậy mới thấy Tam Đảo đâu chỉ nhà thờ Đá, đâu chỉ đền Bà Chúa Thượng Ngàn, đâu chỉ những biệt thự, những khách sạn, nhà nghỉ nằm ở lưng chừng trời đất kia, đâu chỉ những dự án mở đường lên mây hút chân du khách. Giờ ít ai trồng su su lấy trái, trồng lấy ngọn thì thu nhập cao hơn. Đọt su su bị cắt ngay từ đầu để đẻ nhánh nhiều hơn, nhanh hơn, trái su su bị cắt bỏ ngay từ khi mới tượng để dây su su dồn sức cho những đọt non, đọt mởn, cho những bó ngắn, bó dài mà chu kỳ bảy ngày thu hoạch một lần đã trở thành nhịp điệu quen thuộc trên nền đá trầm tích phun trào cổ xưa này.

Ông bạn văn Quang Khải chung trại sáng tác với tôi trong bữa cơm chiều hôm qua đã đọc hai câu như ghim cả cuộc sống ở đây vào thơ:

“Ai gùi lưng núi xuống

Bày bán chợ sương mù?!”

Và tất nhiên nó ghim vào cái đầu nóng rực của tôi, ghim vào trái tim nóng rực của tôi một thứ tình cảm rưng rưng với nơi mà mình đặt chân đến lần đầu. Chợ Tam Đảo là kiểu chợ không chợ, sương vén lên thì các tấm bạt che kín các sạp hàng cũng vén lên, sương phủ trắng thì các sạp hàng kín bưng như chưa từng có mặt. Người ta gọi nó là chợ Sương Mù. Cơm lam, trứng nướng, rau mầm đá, hạt dẻ nâu… Tất cả đều chung một mô típ nén lửa vào trong, chung một kiểu ăn, ăn là ăn lửa, ăn đá, chung một đích tới của ẩm thực vùng cao, ăn kỳ thực là sưởi ấm, sưởi nóng từ gan ruột đến tâm hồn. Mà cũng quả như vậy thật, như cái món cơm lam, chẳng biết thanh nứa nâu nâu ấy già trẻ ra sao mà khi cơm được nướng chín lại có một lớp màng trắng bó rịn thơm ngon vị rừng vị lửa đến như thế. Hoặc như hạt dẻ nâu khi nhè nhẹ tách ra thì ngát mũi cái mùi đất đá, bùi ngọt cái tình xứ núi đượm nồng.

Tiếp tục đưa chân vào con đường mù trắng như một kẻ mộng du thứ thiệt, trước bàn chân chẳng thấy gì, tôi đi về phía tiếng kèn đồng văng vẳng. Một đoàn rước xanh đỏ tím vàng hiện ngang trên cao. Tôi rướn chân nhanh hơn và chạm ngôi nhà thờ Đá, đây là một trong bốn ngôi nhà thờ đá nổi tiếng cả nước. Dấu thời gian in hằn trên những tường đá rêu phong. Hôm nay, lễ Phục Sinh nên có Đức Giám mục về tận nơi làm lễ. Đoàn rước đã vào bên trong nhà thờ. Con chiên đã ngồi kín cả bảy vòm đá rộng lớn. Từ năm 1937, nơi đây đã trở thành nơi sưởi ấm cho muôn vạn con tim, già trẻ gái trai, Ki tô giáo hay ngoại đạo đều âm thầm đến đây, âm thầm ngồi lên một trong bảy góc vòm đá cổ xưa ấy và lắng nghe tiếng giảng văng vẳng từ trong kia, lắng nghe tiếng trời đất, tiếng gió sương từ thinh lặng ngoài này. Họ đến để tìm thấy sự an lành trong tâm hồn, để mong lắng xuống tất cả những đau thương, những mất còn của một đời người mong manh và yếu đuối, một đời người với vô vàn cung bậc không thể nói hết bằng lời.

Tôi cũng vậy thôi, tôi đến đây để tìm chút ngưng vàng hiếm hoi nơi chân thác Bạc, để tìm thấy chút tĩnh tâm nơi thềm đá của ngôi nhà thờ kiến trúc Gô-tích mái vòm này, để soi thử vào sương trong, tan thử vào sương đục, để nhận diện một lần xem thử trái tim thương tật này là ai, trong vật vã, trong mông lung và trong buồn tủi gần hết tháng ngày dài.

Và để thú nhận trước em: “Sương trắng là tôi sẽ tan như chưa bao giờ có thật” (Sương trắng - Nghiêm Huyền Vũ).

Cảm ơn mây trắng! Cảm ơn sương đục! Cảm ơn những con đường lên trời không thấy bước chân!

Nguyễn Hiệp



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tam Đảo, sương…