Mục tiêu đặt ra của Nghị quyết số 05/NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) là phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sạch, an toàn, bảo vệ môi trường sinh thái, có khả năng chống chọi với dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Đồng thời, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp… Bình Thuận đã và đang hình thành những mô hình sản xuất tuần hoàn tiêu biểu, có thể đáp ứng được mục tiêu ấy.
Chuỗi sản xuất trồng trọt - chăn nuôi khép kín
Trong một hội thảo mới đây về giới thiệu một số mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn khép kín quy mô hộ gia đình, Tiến sĩ Lương Thanh Sơn - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh nhấn mạnh: Những năm qua, Bình Thuận đã tập trung dành nhiều nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là hệ thống thủy lợi. Mặt khác, quan tâm đến phát triển giống, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và xây dựng các chính sách liên quan. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn của tỉnh luôn nghiên cứu xây dựng các mô hình để chuyển giao cho người dân, nhất là các mô hình liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Và một trong những mô hình được xem là thành công, đó là việc ứng dụng công nghệ vào chuỗi sản xuất trồng trọt và chăn nuôi của Công ty cổ phần Nông trang EDEN, tại thôn Dân Trí, xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc.
Đây được xem là mô hình kinh tế tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, hướng tới chuyển giao, liên kết với nông dân để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ. Để đa dạng hóa thu nhập cho trang trại, tận dụng tối đa các phụ phẩm nông nghiệp làm nguyên liệu tạo ra các sản phẩm khác, trang trại thực hiện việc nuôi bò, sử dụng nước rửa chuồng, phân bò để tưới cỏ, sử dụng phân bò để nuôi trùn quế, sau đó sử dụng trùn quế để trồng dưa lưới. Mục tiêu để giảm thiểu chi phí phân bón, bảo vệ môi trường sinh thái.
Có mặt tại trang trại này vào những ngày tháng 6/2022, chúng tôi thật bất ngờ, bởi giữa vùng đất Thuận Hòa khô cằn, hạn hán nhiều năm trước, nay lại có nguồn nước thủy lợi dồi dào, thuận lợi cho sản xuất, chăn nuôi. Chị Trương Thị Thi Hòa - kỹ sư nông nghiệp làm việc tại Nông trang EDEN giới thiệu: Trang trại có quy mô rộng 20 ha, trong đó diện tích trồng cỏ chăn thả 4 ha, trồng cỏ làm thức ăn 12 ha. Diện tích làm chuồng trại nuôi bò 1 ha/100 con, cây ăn trái 1 ha. Ngoài ra, có 4 nhà lưới trồng dưa lưới, diện tích mỗi nhà 1.000 m2.
Theo lời giới thiệu của chị Hòa, dưa lưới được trồng trong nhà lưới, sử dụng công nghệ tưới tiêu, bón phân tự động, giúp tiết kiệm chi phí nhân công. Đồng thời, hạn chế sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra sản phẩm an toàn, đạt chứng nhận GlobalGAP và an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái.
Về hiệu quả kinh tế, việc chăn nuôi đã chủ động được thức ăn thô xanh cho bò, giảm chi phí phân bón, chỉ phải mua thức ăn tinh (chiếm 5% tổng lượng thức ăn). Đàn bò tăng trọng ổn định, được chăn thả tự nhiên và vỗ béo trong chuồng ở giai đoạn cuối, sản phẩm tạo ra chất lượng cao và đã được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Riêng phân bò sử dụng để nuôi trùn quế, phân trùn quế được sử dụng vào trồng trọt. Ngoài ra, với diện tích trồng cỏ khá rộng, vừa tạo thức ăn cho bò, vừa là mảng xanh cho nông trại. Đối với trồng dưa lưới, sử dụng phân trùn quế giúp giảm được chi phí phân bón, trong bối cảnh giá phân bón tăng cao. Ngoài ra, việc sử dụng phân trùn quế giúp tăng năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm. Nông sản đạt chứng nhận GlobalGAP, an toàn thực phẩm và đã được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm tại TP. Hồ Chí Minh, tạo việc làm cho 10 lao động tại địa phương.
Nâng cao giá trị nông sản đạt chuẩn hữu cơ
Ngoài mô hình ứng dụng công nghệ vào chuỗi sản xuất trồng trọt và chăn nuôi tại Công ty cổ phần Nông trang EDEN, hiện nay một mô hình sản xuất tiêu biểu khác được giới thiệu đến nông dân toàn tỉnh, đó là ứng dụng công nghệ tưới tự động vào chuỗi sản xuất, trồng trọt và nâng cao giá trị nông sản đạt chuẩn hữu cơ tại Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Khang Quân (thôn Thuận Minh, xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam). Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, đại diện Hội làm vườn tỉnh cho biết: Quy mô trang trại với 6,5 ha, trong đó diện tích trồng thanh long 5 ha, tương ứng 12.000 trụ thanh long trồng giàn. Diện tích làm nhà kính trồng nho 1 ha. Thanh long ứng dụng công nghệ tưới tiêu, bón phân tự động, giúp tiết kiệm chi phí nhân công, hạn chế sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra sản phẩm an toàn, đạt chứng nhận hữu cơ và an toàn thực phẩm, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái. Theo bà Nga, đây là việc làm tiên phong trong tái cấu trúc lại sản xuất để có sản phẩm chất lượng và sạch, hướng tới nhiều thị trường và đáp ứng những thị trường khó tính trong bài toán phụ thuộc vào một thị trường bấp bênh và khó lường trước như Trung Quốc.
Liên quan đến xu thế phát triển tất yếu của sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, bà Phạm Thị Hồng Yến - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Thuận, trong chuyến khảo sát về tình hình sản xuất và tiêu thụ thanh long tại một số địa phương trong tỉnh vào tháng 4/2022 đánh giá thực tế diện tích thanh long VietGAP của tỉnh còn thấp (gần 12.400 ha, chiếm 33% tổng diện tích thanh long toàn tỉnh). Mặt khác, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh trong sản xuất thanh long vẫn còn nhiều hạn chế... Đồng thời gợi mở, trong bối cảnh khó khăn về sản xuất và tiêu thụ, chúng ta nên tổ chức sản xuất theo các mô hình chuỗi, nhất là việc tham gia vào các HTX, tổ hợp tác. Liên quan đến các khó khăn vướng mắc, chi phí giá thành phân bón tăng cao, đại biểu Yến cho biết, hiện các cấp bộ, Trung ương đang hướng giải pháp phát triển nông nghiệp gắn bảo vệ môi trường. Đó là thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh. Qua đó, vừa góp phần đảm bảo chất lượng nông sản, vừa giảm giá thành đầu tư phân bón. Ngoài ra, nông dân có thể quan tâm xu hướng nông nghiệp sinh thái rất phù hợp với Bình Thuận. Địa phương có thể mời các nhà khoa học đến, quan tâm hỗ trợ nghiên cứu về tình trạng thoái hóa chất lượng đất sản xuất nông nghiệp…
Với sự quan tâm, tâm huyết đối với ngành nông nghiệp tỉnh nhà, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Đại biểu quốc hội Phạm Thị Hồng Yến bày tỏ ý kiến: Mô hình kinh tế sản xuất và tiêu dùng truyền thống sang mô hình kinh tế tuần hoàn tái sử dụng tài nguyên sẽ giúp các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng trong nền kinh tế tiết kiệm tài nguyên đất, nước. Không chỉ vậy, còn loại bỏ các tác động tiêu cực đến môi trường do chất thải nhựa hay dư lượng hóa chất độc hại. Việc mở rộng diện tích trồng thanh long được tưới bằng phương thức nhỏ giọt, tiết kiệm nước và không sử dụng thuốc trừ sâu. Đồng thời, sử dụng các phụ phẩm, phế phẩm trong nông nghiệp làm phân hữu cơ thay cho phân bón hóa học trong các chuỗi sản xuất và tiêu thụ thanh long hữu cơ mang lại nhiều lợi ích lâu dài.
Nghị quyết 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) đã nêu ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cần thực hiện trong thời gian tới là cơ cấu lại sản xuất trên các lĩnh vực phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ở lĩnh vực trồng trọt, cần cơ cấu lại quy mô sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sạch, hữu cơ đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Phát triển diện tích thanh long phù hợp quy hoạch và nhu cầu thị trường… Giai đoạn 2021-2025, đặt chỉ tiêu giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng bình quân khoảng 5%/năm. Đến năm 2025, thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so năm 2020. Giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên 1 ha đất trồng trọt đạt khoảng 130 triệu đồng…