Tại Bình Thuận, quan điểm chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh là làm sao để phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao. Sản xuất hữu cơ gắn với liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị và bảo vệ môi trường sinh thái là nhiệm vụ, giải pháp then chốt để phát triển ngành nông nghiệp trở thành 1 trong 3 trụ cột của nền kinh tế tỉnh nhà. Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (khóa XIV) về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao đang mở ra cánh cửa mới trong thời kỳ phát triển và hội nhập…
Bài 1: “Khủng hoảng” của sản xuất nông nghiệp
Trong muôn vàn khó khăn sau 2 năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lộ ra nhiều hạn chế của ngành nông nghiệp, đó là diện tích sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết dẫn đến việc tiêu thụ nông sản còn bấp bênh. Trong đó, câu chuyện sản xuất và tiêu thụ thanh long tại tỉnh thời gian qua là một dẫn chứng.
Nông dân trước cuộc khủng hoảng sản xuất nông nghiệp.
“Cú sốc” thị trường tiêu thụ thanh long
Bình Thuận là tỉnh có lợi thế phát triển nông nghiệp toàn diện, với diện tích đất sản xuất gần 357.000 ha, chiếm 44,91% diện tích đất tự nhiên. Trong đó, nhiều năm qua thanh long được xác định là cây trồng lợi thế và đặc sản của tỉnh. Sản xuất thanh long đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, nông thôn của tỉnh, với hơn 30.000 hộ nông dân tham gia sản xuất thu mua, sơ chế xuất khẩu thanh long. Bên cạnh đó, giá trị xuất khẩu của thanh long Bình Thuận chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất cây ăn trái.
Tuy nhiên, những năm gần đây do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến khá phức tạp. Mặt khác, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu sản phẩm nông nghiệp còn chậm; giá trị gia tăng, thu nhập người dân còn thấp, đời sống nông dân còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, trong 2 năm trở lại đây, đại dịch Covid-19 đã gây ra biết bao hệ lụy đến con người và kinh tế, trong đó có sản xuất và tiêu thụ nông sản, mà trái thanh long chiếm phần lớn diện tích.
Hệ lụy ấy được thấy rõ, khi vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022, do ảnh hưởng dịch Covid-19, Trung Quốc thực hiện chính sách “Zero Covid” khiến việc xuất khẩu thanh long sang thị trường này gặp nhiều khó khăn, giá thanh long chạm đáy, chỉ từ 1.000 - 2.000 đồng/kg khiến nông dân thua lỗ nặng. Vào thời điểm những tháng đầu năm 2022, khi thanh long Bình Thuận đang vào mùa chong đèn, trái chín đỏ cành, cũng là thời điểm liên tục những thông tin không hay từ phía các cửa khẩu phía Bắc liên tục ập đến, với nội dung “tạm ngừng thông quan”, “xe container ùn ứ”. Hàng ngàn nông dân Bình Thuận sống hàng chục năm qua sống bằng nghề trồng thanh long bỗng chốc rơi vào trạng thái hụt hẫng, lo lắng bởi khó khăn đang ập đến, ảnh hưởng đến sinh kế của họ. Chưa hết, khi sự khủng hoảng về giá cả phân bón, vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp tăng cao kỷ lục trong năm 2022 tạo ra một cú sốc đối với sản xuất nông nghiệp nói chung và thanh long nói riêng. Trên địa bàn tỉnh xuất hiện hiện tượng nông dân chặt bỏ trụ thanh long hàng loạt, từ năm 2021 đến tháng 4/2022 giảm gần 4.000 ha vì không đủ chi phí đầu tư. Thậm chí, không ít hộ dân đã phân lô bán nền đất nông nghiệp, tạo nên cơn sốt đất chưa từng có ở các vùng ven.
Nông dân loay hoay, chính quyền nhìn nhận hạn chế
Đơn cử tại Hàm Thuận Bắc, với tổng diện tích thanh long đã trồng từ trước đến nay trên 9.000 ha. Tuy nhiên, vào tháng 4/2022 qua rà soát diện tích thanh long đang sản xuất khoảng 7.500 ha, giảm gần 1.800 ha. Từ cuối tháng 12/2021 đến tháng 2/2022, có khoảng 5.000 ha thanh long chong đèn sản xuất trái vụ. Diện tích còn lại nông dân chủ yếu chăm sóc cầm chừng, duy trì cây, chờ thị trường tiêu thụ ổn định mới tiếp tục đầu tư. Còn tại huyện Bắc Bình, dù diện tích thanh long chỉ đứng thứ 3 trong tỉnh, với trên 4.000 ha, nhưng do khủng hoảng về thị trường tiêu thụ, diện tích thanh long đã giảm gần 600 ha so với năm 2021.
Mang tâm trạng lo lắng trước “cơn bão” thị trường, ông Võ Đình Tâm, nông dân trồng 1.500 trụ thanh long tại thôn Bình Thủy, xã Phan Rí Thành (Bắc Bình) nặng lòng chia sẻ: “Gia đình đầu tư mấy chục triệu đồng cho 3 pha chong điện vụ nghịch, nhưng khi trái chín trên cành, tôi lại thấp thỏm, “thở oxy” vì không thể biết được giá bán thế nào”. Chung nỗi lo ấy, bà Trần Thị Kim Oanh - thôn Bình Lưu, xã Phan Rí Thành ngậm ngùi: “Mấy tấn thanh long thu hoạch vừa rồi không có ai mua, nên gia đình đã chở đi làm từ thiện. Giờ đây, 1.100 trụ thanh long đang tưới nước cầm cự. 5 năm trước đây, mảnh vườn này được chuyển đổi từ ruộng lúa. Nay thanh long mất giá, tôi lại băn khoăn, tính chuyển lại trồng lúa, nhưng việc cải tạo đất đai, định hướng sản xuất cũng là cả vấn đề về vốn đầu tư, thuê nhân công”. Tuy nhiên, đó là thực tế diễn ra từ tháng 4/2022. Còn vào thời điểm tháng 6, khi sản lượng thu hoạch ít đi, giá bán thanh long lại “nhảy múa”, tăng lên ở mức trên 20.000 đồng/kg, thì nông dân lại không có hàng bán. Đó là sự trở lại của điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” suốt nhiều năm nay với sản xuất nông nghiệp.
Trong bối cảnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận cũng nhìn nhận thực tế: Quy mô sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn nhỏ lẻ, manh mún. Việc xây dựng vùng sản xuất tập trung xây dựng chưa nhiều, chưa tạo ra được khối lượng sản phẩm lớn đủ sức cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Đặc biệt, thị trường tiêu thụ nông sản nói chung và thanh long nói riêng chưa đa dạng, phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, nên việc xuất khẩu qua thị trường này gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc chế biến chỉ ở quy mô nhỏ, công nghệ chế biến, bảo quản chưa cao, bao bì, mẫu mã còn đơn giản.
Còn theo đánh giá của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV), kết quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp chưa rõ nét, tăng trưởng ngành nông nghiệp chưa bền vững. Ngoài ra, việc ứng dụng khoa học, công nghệ và cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp còn yếu; chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của một số sản phẩm nông nghiệp còn thấp. Liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp chưa hiệu quả. Dù có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên, nhưng Tỉnh ủy Bình Thuận đánh giá, nguyên nhân chủ yếu là do sự quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành thực hiện các chủ trương, giải pháp về cơ cấu lại ngành nông nghiệp chưa cao, còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Mặt khác, sự phối hợp và tính liên kết trong nội bộ ngành nông nghiệp và giữa ngành nông nghiệp và các ngành khác chưa chặt chẽ. Chưa có các chính sách hấp dẫn để khuyến khích thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản…
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan: Nền nông nghiệp Việt Nam mang 3 “lời nguyền”, đó là “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”. “Không tổ chức lại được một ngành hàng là chúng ta còn rủi ro”. Tư lệnh ngành nông nghiệp đồng thời nhấn mạnh việc tổ chức ngành hàng có vai trò chính của chính quyền địa phương.
Bài 2: Nhận thức và hành động