Nhiều diện tích bắp lai đầu tư ứng trước phát triển xanh tốt.
Nhiều cánh đồng triền đồi thấp, khu đất dốc ở các xã vùng cao Bắc Bình đã phủ lên màu xanh non của bắp. Có diện tích xuống sớm bắp đã cao qua gối đang trong giai đoạn làm đòng. Chúng tôi gặp ông Đình Văn Đồng ở xã Phan Tiến (Bắc Bình) khi ông đang làm cỏ cho rẫy bắp khoảng chừng 30 ngày tuổi. Ông Đồng nói: “So với các vụ trước, vừa rồi bắp lai gia đình trúng mùa được giá, sau khi thu hoạch được Trung tâm Dịch vụ miền núi thu mua với giá 4.900 đồng, trừ chi phí có lãi nên mừng lắm. Vụ bắp này gia đình tôi tiếp tục xuống 3 sào giống CP511, giá vật tư năm nay tăng cao nhất là phân bón hơn 1 triệu đồng/bao, chưa biết lời lãi thế nào trông mùa màng thuận lợi bà con mình có lãi”. Còn tại xã Phan Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phan Lâm - Mang Lăng thông tin thêm: “Vụ bắp hè thu năm nay toàn xã Phan Lâm có 37 hộ đăng ký sản xuất bắp lai theo chương trình đầu tư ứng trước với diện tích khoảng 54 ha. Tranh thủ những cơn mưa liên tục, đất đủ ẩm nông dân đã phát dọn rẫy, nhận giống và xuống vụ từ cuối tháng 5. Đồng bào sử dụng 2 giống phổ biến là NK7328, CP511, bắp lên cây con phát triển khỏe mạnh”. Thống kê của Phòng Dân tộc huyện Bắc Bình, đến thời điểm này đồng bào dân tộc thiểu số các xã Phan Lâm, Phan Sơn, Phan Tiến có khoảng 120 hộ đã nhận giống, dự kiến diện tích gieo trồng khoảng 254 ha.
Chính sách đầu tư ứng trước giúp đồng bào yên tâm sản xuất, cải thiện thu nhập
Còn tại huyện Hàm Thuận Bắc, vừa kết thúc thu hoạch các loại cây ngắn ngày vụ đông xuân, các xã thuần đồng bào DTTS đã bắt tay ngay xuống giống vụ hè thu được 720 ha. Trong đó, cây bắp khoảng 150 ha, còn lại là các cây trồng khác gồm lúa, mì, đậu, mè và rau màu. Các xã: La Dạ, Đông Giang, Đông Tiến và Thuận Hòa đã đăng ký đầu tư ứng trước sản xuất bắp lai năm 2022 với số lượng khoảng 391 hộ sản xuất 754,97 ha. Sau khi đăng ký, Trung tâm Dịch vụ miền núi đã tổ chức tập huấn và triển khai ký hợp đồng với các hộ dân đăng ký.
Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh cho biết, ngay từ đầu năm trung tâm đã chủ động xây dựng kế hoạch mua sắm vật tư, hàng hóa phục vụ nhu cầu đăng ký đầu tư ứng trước cho đồng bào vùng cao. Cùng với đó, trung tâm phối hợp với các công ty giống tổ chức tập huấn về kỹ thuật canh tác trồng thâm canh bắp lai, lúa nước cho các xã đăng ký đầu tư ứng trước. Thực hiện kế hoạch đầu tư ứng trước năm 2022, đến cuối tháng 6 đã có 1.134 hộ ký hợp đồng nhận đầu tư ứng trước sản xuất bắp lai, lúa nước với tổng diện tích 1.987 ha; trong đó, riêng cây bắp lai 1.005 hộ/1.899 ha. Trung tâm cung ứng đầy đủ, kịp thời vật tư xuống các cửa hàng, đại lý. Hiện đã có 528 hộ đã nhận vật tư giống, phân bón sản xuất 868 ha với số tiền hơn 4 tỷ đồng.
Trong quá trình sản xuất, cán bộ trung tâm thường xuyên phối hợp cùng với UBND các xã theo dõi sản xuất của đồng bào cũng như chủ động tìm kiếm thị trường ký hợp đồng thu mua và cùng UBND các xã tổ chức thu mua, thu hồi nợ khi đồng bào vào mùa thu hoạch. Chính sách đầu tư ứng trước theo Quyết định số 05 ngày 1/2/2016 của UBND thời gian qua đã và đang phát huy hiệu quả. Đồng bào được ứng trước vật tư sản xuất, hạn chế được tình trạng cho vay nặng lãi, ép cấp ép giá trong vùng đồng bào DTTS. Từ đó, đời sống đồng bào cải thiện đáng kể, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo ở 11 xã thuần đồng bào DTTS và 20 thôn xen ghép.