![]() |
Theo giấy khai sinh thì Bùi Giáng sinh ngày 17/12/1926 tại làng Thanh Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Năm 1950, đậu tú tài toàn phần văn chương ở Liên khu V rồi tiếp tục "mười lăm năm chăn dê ở núi đồi Trung Việt". Năm 1952, Bùi Giáng vào Sài Gòn ghi danh Ðại học Văn Khoa nhưng nhìn danh sách giáo sư giảng dạy ở đây ông đã bỏ trường và bắt đầu sáng tác, dịch thuật, đi dạy học tại các trường tư thục. Từ đó, ông bắt đầu nhập cuộc “phiêu bồng”. Bùi Giáng có khoảng 55 tác phẩm đã in về dịch, triết và thơ (riêng thơ có đến nghìn bài).
Theo lời kể của nhà văn Mai Thảo thì tài thơ của Bùi Giáng để xếp vào hàng xuất thần:
"Tôi hỏi xin ông những bài thơ mới nhất. Ông gật. Tưởng lấy ở túi vải ra. Hoặc nói về lấy, hoặc nói hôm sau. Tất cả đều không đúng. Ông hỏi mượn một cây bút, xin một xấp giấy, một chai bia lớn nữa, đoạn ngồi xuống và trước sự kinh ngạc cực điểm của chúng tôi, bắt đầu tại chỗ làm thơ. Lần đầu tiên tôi thấy Bùi Giáng viết, thoăn thoắt, vùn vụt, nhanh không thể tả. Như thơ không thể từ đầu, từ tim chảy xuống, xa quá, lâu quá, mà ngay từ ngọn bút, từ đầu ngón thôi. Lần đó, tôi đã thấy, đã hiểu tại sao Bùi Giáng, cứ cánh bướm rong chơi, cứ phiêu bồng lãng du mà vẫn có ngay nghìn câu một buổi".
Tôi còn nhớ rất rõ, tôi đã mê đến thế nào hai câu thơ nói được rất nhiều trong phần vô ngôn của bài thơ, nó như bài học về thơ đầu tiên, sâu sắc nhất mà tôi học được:
“Dạ thưa xứ Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”
Hay một đoạn khác trong tập Mưa nguồn:
“Buổi trưa đi vào giữa lòng lá nhỏ
Tiếng kêu kia còn một chút mong manh
Dòng nức nở như tia hồng đốm đỏ
Lạc trời cao kết tụ bóng không thành”
Rõ ràng ông không điên như tôi đã từng thấy cái vỏ ngoài thân xác người điên năm nào. Tôi đọc chậm và nhiều lần các bài thơ của ông mà tôi có và hiểu rằng Bùi Giáng chính là người đã đẩy đến cùng trạng thái hiện sinh, đã chứng nghiệm ý thức trần trụi về bản thể.
Chính vì vậy mà ông đã tự nhiên tạo ra hiện tượng văn học Bùi Giáng đầy tính thiên bẩm, rất gần với ranh giới ngộ chữ, rất gần với ranh giới sự điên dại, ngờ nghệch, rất gần nhưng không phải.
“Dạ thưa Vỹ Dạ về gần
Ðã từ xa lắm thiên thần nhớ em”
Hay
“Em về rũ áo mù sa,
trút quần phong nhụy cho tà huy bay”.
Hay
“Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không
Ta đi còn giữ đôi giòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù”
Hay
“Xin chào nhau giữa con đường
Mùa Xuân phía trước miên trường phía sau
Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng...”
Hay
“Bây giờ xin ngó cụm cây
Chắp hàng viết nốt áng mây về trời
Phiêu bồng sáu cõi thu trôi
Ngàn mưa nhỏ giọt trang đời lạnh ghê!”
Những dòng thơ này tựa như ngôn ngữ nói hàng ngày nhưng lại rất thơ, nửa là Sartre(1), là hiện sinh, là vô căn và nửa kia lại rất nặng Kiều, rất Nguyễn Du, rất định mệnh. Bởi vậy mà thơ Bùi Giáng kỳ thực là những lát cắt, những khúc đoạn rất riêng biệt của tiến trình triết học hiện sinh, nó bóc tách, biến hóa và nâng thể thơ lục bát Việt Nam ra khỏi thân xác ca dao trước đó.
Thi sĩ Bùi Giáng mất ngày 7/10/1998, tại Sài Gòn, thọ 72 tuổi. Hiện tượng thơ đặc dị của Bùi Giáng đọng mãi trong lòng bạn đọc như một đóa hoa lạ thường xuyên thấu hết lộ trình ẩn hiện của nỗi đời và xô vỡ cái ranh giới cá nhân của nỗi người cô độc.
Nguyễn Hiệp
(1): Jean-Paul Charles Aymard Sartre, nhà triết học hiện sinh, nhà soạn kịch, nhà biên kịch, tiểu thuyết gia và là nhà hoạt động chính trị người Pháp. Ông là một trong những nhân vật nòng cốt trong hệ thống triết học của chủ nghĩa hiện sinh, và một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn trong nền triết học Pháp thế kỷ 20 và chủ nghĩa Marx.thơ Bùi Giáng