Theo dõi trên

Tản văn: Xin một mùa nữa để yêu thương

13/03/2020, 10:39

BT - Hồi còn nhỏ tôi vẫn thường ngóng chờ tết bởi chỉ tết mới có quần áo mới và được uống nước ngọt, ăn bánh kẹo thỏa thích. Tôi đâu biết để chuẩn bị cho tết mẹ phải nhận thêm bao nhiêu là công việc, làm cỏ thuê chẳng có ngày nghỉ. Trong tâm trí trẻ thơ lúc ấy chỉ nghĩ đơn giản rằng tết mau về để được ăn những món ưa thích cho đã thèm.

Sau này khi đi học xa nhà, lại cũng mong sao cho tết nhanh đến để được chạy về với mẹ, giúp mẹ làm công việc vườn tược. Mùa thu hoạch tiêu trùng với mùa tết nên những ngày nghỉ tôi tranh thủ phụ mẹ hái tiêu, dọn dẹp nhà cửa. Thành ra sau khi hết tết lại đen nhẻm, gầy nhom đến nỗi mấy đứa bạn học phải ngạc nhiên. Cực là vậy mà năm nào cũng mong tết mau đến để về phụ mẹ, thương mẹ tần tảo sớm hôm lo cho mấy chị em ăn học. Mẹ bảo chỉ có con đường học mới thay đổi được số phận, đời mẹ vì thất học mà khổ nhiều rồi nên chỉ mong mấy con lo ăn học để đừng khổ như mẹ. Bởi vậy mà mặc cho mọi người khuyên can rằng nên cho tụi nó đi làm công nhân đỡ đần giúp, con gái học chi cho nhiều, mẹ vẫn chịu cực khổ lo cho mấy chị em vào đại học.

Tranh cát trong bài hát “Nhật ký của mẹ”.

Gió thổi tháng ngày nhẹ trôi, chẳng mấy chốc tôi đã lập gia đình, làm mẹ. Bao nhiêu thứ lo toan, từ nhà cửa, con cái đến quà cáp biếu tết… Bấy giờ mới hiểu nỗi lo mà mẹ phải gánh trên vai bao năm nay, càng thấy thương mẹ hơn. Nhưng khi hiểu ra, thương mẹ nhiều hơn thì chợt phát hiện ra thời gian của mẹ chẳng còn bao lâu nữa. Những cơn bệnh kéo dài làm mẹ gầy đi trông thấy. Những ca phẫu thuật nối tiếp nhau làm tóc mẹ rụng dần. Mỗi lần về thăm mẹ càng xót xa vì dáng mẹ nhẹ hơn làn khói. Nuốt nước mắt giấu kín vào trong, giục mẹ ăn đủ loại tẩm bổ, mẹ chỉ cười: “Già rồi, ăn gì cũng như nhau”… Nghe mà xót xa quá đỗi, cả một đời mẹ chăm lo cho đàn con, thứ gì ngon cũng nhường cho chồng con, còn bản thân mẹ luôn chịu phần thiệt. Đến khi con cái đủ sức để lo cho mẹ, mẹ lại chẳng muốn ăn, chẳng muốn sắm sửa gì.

Tôi bắt đầu sợ, một nỗi sợ mơ hồ. Có những đêm khóc thầm vì thương mẹ. Tôi vốn ít tin vào tâm linh, vậy mà dạo này chiều nào cũng thắp nhang vái lạy, mong cho mẹ được sức khỏe, bình an.

Vài ngày nữa mẹ lại phải lên bàn mổ. Mẹ bảo già rồi phát bệnh để ra đi. Giọng mẹ nhẹ như sương đêm, phủi cái là rơi xuống thấm vào đất. Con cái trấn an mẹ rằng chẳng sao đâu, mẹ còn sống nhiều năm nữa. Mẹ bảo mẹ đã chuẩn bị tất cả rồi. Dù biết trong cõi ta bà, tất cả chỉ là phù du, rồi sẽ tan thành cát bụi, vậy mà mỗi lần nghĩ đến cảnh tết về không còn mẹ lòng quặn đau không thể tả nổi.

Hồi trước mỗi lần nghe câu hát “mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng con phải mồ côi” lòng chỉ rung động đôi chút, bây giờ mỗi lần nghe ai đó vô tình mở bài hát này nước mắt tự động chảy dài. Còn bao nhiêu năm nữa được về quê ăn tết cùng mẹ? Chẳng ai có thể biết được câu trả lời. Phận lấy chồng xa, chỉ trông mau tết về thăm cha mẹ. Có thương cha nhớ mẹ chỉ biết khóc một mình.

Thời gian ơi, xin đừng phũ phàng cướp mất mẹ tôi. Xin một mùa nữa để con được chải tóc cho mẹ, gói bánh chưng cùng mẹ. Một mùa nữa thôi, một mùa nữa để nghe tiếng cười giòn tan của mẹ. Khẽ thắp nén nhang lên bàn thờ cầu khấn, con thầm cầu cho con một mùa nữa, một mùa nữa, một mùa nữa… một mùa nữa hoài để được về bên mẹ…

Phan Trúc



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tản văn: Xin một mùa nữa để yêu thương