Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và lãnh đạo các địa phương, hiệp hội ngành hàng… Tại điểm cầu Bình Thuận, dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh cùng đại diện các sở ngành, đơn vị liên quan.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ Ngoại giao cho biết công tác ngoại giao kinh tế trong nửa năm 2024 được triển khai bài bản và hiệu quả, đóng góp thực chất vào phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, cơ chế phối hợp trong triển khai ngoại giao kinh tế và công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lực thực hiện ngoại giao kinh tế luôn được quan tâm tăng cường. Đồng thời cho biết trong 36 hoạt động đối ngoại cấp cao từ đầu năm 2024 đến nay, nội dung kinh tế tiếp tục trở thành trọng tâm và đạt kết quả đáng ghi nhận, quan hệ đối ngoại được mở rộng, nâng tầm, nâng cấp.
Thời gian qua, ngoại giao kinh tế cũng tích cực hỗ trợ kết nối, xúc tiến, quảng bá, tháo gỡ rào cản thương mại và thúc đẩy hướng đi mới, qua đó góp phần mở rộng thị trường cho các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp. Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam tiếp tục đón nhiều tập đoàn có thương hiệu như NVIDIA, Apple, Intel, Google, Inforsys, Siemens... và nhiều doanh nghiệp lớn từ Bắc Âu, Mỹ, Canada, Nhật Bản...
Những tháng còn lại của năm 2024, công tác ngoại giao kinh tế sẽ tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả, thực chất, nhất là đẩy mạnh ngoại giao công nghệ, huy động các nguồn lực quốc tế cho quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng. Ngoài ra còn tăng cường đa dạng hóa thị trường, đối tác và chuỗi cung ứng, hỗ trợ nâng cao năng lực cũng như nhận thức của doanh nghiệp trong nước. Tiếp tục nâng cao năng lực thực thi ngoại giao kinh tế, thúc đẩy liên kết sâu hơn giữa khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch ở các thị trường trọng điểm, tiềm năng ở nước ngoài.
Tại hội nghị, đại diện các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, bộ ngành Trung ương, hiệp hội ngành hàng, địa phương đã tham gia tham luận chia sẻ những xu hướng mới về đầu tư, thương mại, đổi mới sáng tạo, tiềm năng của ngành công nghiệp bán dẫn. Hay như tăng cường hiệu quả phối hợp trong triển khai ngoại giao kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam và thu hút đầu tư nước ngoài trong tình hình mới...
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong thành tích phát triển kinh tế nước nhà, có sự đóng góp rất quan trọng của công tác ngoại giao kinh tế. Do vậy Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, bộ ngành Trung ương và địa phương tiếp tục kiên định mục tiêu, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, phát huy đổi mới sáng tạo để phấn đấu thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Thủ tướng yêu cầu công tác ngoại giao kinh tế trong thời gian tới cần kế thừa, phát huy những thành tựu từ giai đoạn trước và phát triển lên nữa, phù hợp với tình hình thế giới và giai đoạn hiện nay. Trong đó tiếp tục đổi mới tư duy, thay đổi nhận thức, nắm chắc tình hình thế giới, khu vực để tham mưu chính sách ngoại giao phù hợp, hiệu quả. Đối với các địa phương, doanh nghiệp lưu ý đẩy mạnh kết nối với cơ quan đại diện ở nước ngoài, tập trung phát triển và nâng cao chất lượng, xuất khẩu những sản phẩm thế mạnh, có khả năng cạnh tranh…
Thủ tướng mong muốn sau hội nghị, công tác ngoại giao kinh tế sẽ được đẩy mạnh, tận dụng mọi cơ hội hợp tác phát triển để mang lại hiệu quả cụ thể, lợi ích thiết thực cho đất nước, người dân, doanh nghiệp.