Theo dõi trên

Tăng cường nguồn nhân lực trong hoạt động trợ giúp pháp lý

16/05/2023, 05:29

Toàn tỉnh có 11 biên chế nhưng đến tháng 3 vừa qua có 3 người nghỉ việc do mức thu nhập thấp còn lại 8 người. Với số biên chế hiện nay quá mỏng so với yêu cầu công việc và nhu cầu trợ giúp pháp lý (TGPL) của người dân.

img_3630.jpg
Bà Nguyễn Thị Kiều Châu kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long về vấn đề thiếu nguồn nhân lực TGPL tại buổi làm việc.

TGPL là một trong những chính sách bảo đảm quyền con người, quyền công dân của Đảng và Nhà nước nhằm giúp cho đồng bào các dân tộc thiểu số, người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, thu hẹp khoảng cách và trình độ phát triển giữa các vùng, miền khác nhau.

20220413_082535.jpg
Một chuyên viên đang trợ giúp pháp lý cho một gia đình là bị hại trong vụ việc 

5 năm qua, kể từ khi Luật Trợ giúp pháp lý ra đời vào năm 2017, thay thế Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, Bình Thuận không ngừng quan tâm công tác trợ giúp pháp lý cho người yếu thế bằng cách ban hành nhiều chương trình, kế hoạch triển khai thi hành luật trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh đã tổ chức lớp tập huấn cho 150 lãnh đạo sở, ban, ngành, đoàn thể, luật sư... Sở Tư pháp (Chủ tịch Hội đồng) đã tổ chức hội nghị tuyên truyền luật và các văn bản thi hành, đồng thời lồng ghép trong các đợt tập huấn kiến thức pháp luật của các ban ngành có liên quan.

img_3067.jpg
Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng tại tòa.

Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh (Trung tâm) - cơ quan thường trực của Hội đồng, tổ chức nhiều hoạt động đẩy mạnh tuyên truyền luật bằng nhiều hình thức cả trực tiếp và gián tiếp, đặc biệt là trên truyền thông. Nhờ vậy, chỉ tính từ năm 2022 đến nay trung tâm và các chi nhánh đã tham gia TGPL 133 vụ.

Con số trên so với các tỉnh, thành trên cả nước còn khiêm tốn, điều này cũng không có gì bất bình thường khi nguồn nhân lực phục vụ công tác này của Bình Thuận cũng khiêm tốn. Theo Trung tâm TGPL, biên chế của Trung tâm có 11 người nhưng đến tháng 3/2023 có 3 người đã nghỉ việc do mức thu nhập thấp còn lại 8 người. Với số lượng người hiện nay thì quá mỏng so với yêu cầu công việc và nhu cầu TGPL của người dân, trong khi địa bàn 10 huyện, thị xã, thành phố tương đối rộng. Điều đó ít nhiều đã ảnh hưởng đến việc điều hành, triển khai các nhiệm vụ của Trung tâm.

Thực trạng này được bà Nguyễn Thị Kiều Châu, Giám đốc Trung tâm TGPL báo cáo với Đoàn công tác của Bộ Tư pháp do đồng chí Lê Thành Long - Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm trưởng đoàn về làm việc tại Bình Thuận liên quan công tác Tư pháp và Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh mới đây. Bà cũng đề nghị Bộ trưởng quan tâm đến vấn đề nhân lực thực hiện TGPL Bình Thuận.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long bày tỏ sự bất ngờ trước báo cáo về nhân lực thực hiện công tác TGPL ở Bình Thuận. Ông cho biết, chưa thấy tỉnh, thành nào trên cả nước lại có số nhân lực làm công tác TGPL thấp như Bình Thuận. Ở các tỉnh, thành khác thường là 20 trợ giúp viên pháp lý trở lên. Đồng thời ông ghi nhận, lưu tâm vấn đề này và đề nghị Sở Tư pháp tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường thêm nguồn nhân lực cho Trung tâm TGPL.

NINH CHINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Trợ giúp pháp lý đã đi vào cuộc sống
Số vụ việc được trợ giúp pháp lý năm sau luôn cao hơn năm trước. Nhiều người đã biết đến công tác trợ giúp pháp lý (TGPL), như một chính sách nhân văn bảo đảm quyền con người.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng cường nguồn nhân lực trong hoạt động trợ giúp pháp lý