Cùng với cả nước, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) cũng tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn Bình Thuận. Như trong năm 2021, các lực lượng chức năng (công an, quản lý thị trường) đã kiểm tra 14 tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử hoặc sử dụng ứng dụng công nghệ số để kinh doanh. Thông qua đó phát hiện 9 vụ vi phạm, tiến hành xử phạt hành chính với số tiền hơn 480 triệu đồng, ngoài ra còn tịch thu nhiều hàng hóa liên quan khác. Bao gồm mỹ phẩm, thực phẩm đóng gói sẵn, sản phẩm gia dụng, điện thoại, nước hoa, khẩu trang, kính chống giọt bắn, đũa ăn, khăn vải, vớ đeo chân, phân bón, nhớt xe…
Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh thì các hành vi vi phạm nêu trên chủ yếu về kinh doanh hàng hóa nhập lậu (mỹ phẩm), kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hoặc kinh doanh hàng hóa có nhãn phụ nhưng không ghi đủ các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa. Hay như kinh doanh hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, mua bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu (nhớt Castrol)… Từ tác động của đại dịch, hiện ngày càng có nhiều người tiêu dùng dần chuyển sang mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử, song không ít trường hợp còn khá chủ quan và dễ dãi trong việc lựa chọn hàng hóa. Điều này có thể vô tình “tiếp tay” cho các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc vi phạm an toàn thực phẩm…
Thực tế hiện nay, trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung, trong hoạt động thương mại điện tử nói riêng vẫn còn bất cập. Một phần do văn bản pháp luật chưa đầy đủ, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh để răn đe và quy định pháp luật chưa rõ ràng, cụ thể nên diễn biến tình hình còn phức tạp. Thêm nữa, xu hướng sử dụng mạng xã hội làm kênh tiếp thị, phân phối hàng hóa tiếp tục có chiều hướng gia tăng góp phần đưa hoạt động thương mại điện tử phát triển quá nhanh, trong khi nhiều quy định đã trở nên lạc hậu, chậm được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp tình hình.
Năm 2022 và những năm tiếp theo, dự báo công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử tại Bình Thuận có thể gặp nhiều khó khăn vì không chỉ tiến hành kiểm tra, kiểm soát theo phương thức truyền thống. Đặc biệt là với hình thức kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử thông qua các trang bán hàng trực tuyến, website bán hàng hoặc các trang mạng xã hội facebook, zalo... Thế nên lực lượng chức năng sẽ thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin trong quản lý hoạt động thương mại trên môi trường mạng để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.
Trong năm 2021, đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 5 (thuộc Cục Quản lý thị trường Bình Thuận) đã khám xét tại một điểm tập kết hàng hóa ở xã Đức Phú, huyện Tánh Linh. Qua kiểm tra và thu thập, thẩm tra, xác minh, lực lượng chức năng xác định đối tượng tại đây đang sử dụng ứng dụng công nghệ số để kinh doanh một số loại hàng hóa vi phạm. Qua đó tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ có tổng trị giá hơn 155 triệu đồng… Vụ việc này cũng được cấp thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt 99.000.000 đồng, ngoài ra còn tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm.