Theo đó, sau thời gian tạm dừng thông quan để tập trung phòng chống dịch Covid - 19, chính quyền thành phố Đông Hưng đã chính thức khôi phục hoạt động thông quan cửa khẩu, lối mở biên giới Đông Hưng (Trung Quốc) - Móng Cái (Việt Nam) từ trung tuần tháng 1/2022 và có thông báo đề nghị phối hợp thực hiện tốt một số nội dung.
Cụ thể về thông quan đối với người, chính quyền thành phố Đông Hưng
tiếp tục thực hiện cơ chế “thông quan hẹn trước” với người, người nhập cảnh
về Trung Quốc qua cửa khẩu Đông Hưng. Thống nhất sử dụng “mã QR hẹn
trước nhập cảnh mã sức khỏe Quảng Tây” để đăng ký hẹn trước nhập cảnh
trên mạng và sẽ thực hiện kiểm soát chặt chẽ công dân nước thứ 3 trung
chuyển qua cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) để nhập cảnh về Trung Quốc qua
cửa khẩu Đông Hưng.
Còn về thông quan hàng hóa, đối với phương tiện xuất nhập khẩu qua
cửa khẩu Đông Hưng (bao gồm cả Khu chợ Biên mậu) sẽ thực hiện theo yêu
cầu “tách rời người và hàng hóa, phân lộ trình vận chuyển”, thực hiện thông
quan theo mô hình thay thế lái xe, giao nhận hàng hóa không tiếp xúc. Ưu tiên giải quyết thông quan lượng hàng hóa hiện đang ùn tắc tại cửa khẩu mỗi bên và thực hiện thông quan hàng hóa theo trình tự.
Dù vậy hiện nay, lượng hàng đã đến cửa khẩu, lối mở biên giới đường bộ, chờ làm thủ tục xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh còn khoảng 1.200 container. Mặt khác thời gian Tết Nguyên đán 2022 đang đến rất gần, dẫn đến doanh nghiệp, người lao động Trung Quốc sẽ nghỉ tết sớm hơn mọi năm vì phía Trung Quốc có yêu cầu đối với người làm việc tại cửa khẩu, cảng biển của Trung Quốc có tiếp xúc với hàng hóa được xác định là đối tượng rủi ro cao. Thế nên phải cách ly bắt buộc 21 ngày trước khi rời khỏi khu vực cửa khẩu biên giới hoặc cảng biển về quê đón tết.
Theo sở chức năng, những yếu tố nêu trên sẽ là áp lực lớn đối với năng lực thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, trong đó có tỉnh Quảng Ninh vào thời gian tới đây. Do vậy để hạn chế tối đa thiệt hại, Sở Công Thương tỉnh bạn khuyến cáo đến cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, kinh doanh dịch vụ vận tải, hiệp hội các địa phương... tạm thời tạm dừng đưa hàng hóa đến khu vực cửa khẩu biên giới tỉnh Quảng Ninh trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022.
Qua đó tránh tình trạng khi đem hàng lên biên giới thì phía Trung Quốc đã nghỉ tết, khiến hàng hóa phải tiếp tục lưu kho bãi tại các địa phương biên giới làm tăng thêm chi phí, hư hỏng hàng hóa và ùn ứ tại cửa khẩu biên giới…
Trước tình hình này, Sở Công Thương Bình Thuận đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Liên minh HTX tỉnh, hiệp hội ngành nghề khẩn trương thông báo đến doanh nghiệp, HTX là thành viên có hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu, lối mở biên giới tỉnh Quảng Ninh cũng như các cửa khẩu biên giới phía Bắc được biết để chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid - 19 theo quy định.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng cần tiếp tục rà soát tình hình sản xuất, hướng dẫn xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý, phù hợp với dự báo nhu cầu thị trường tiêu thụ.
Nhất là đợt thu hoạch từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tránh tình trạng khủng hoảng thừa cục bộ, dẫn đến giá giảm sâu. Bên cạnh đó quản lý chặt chẽ các vùng trồng, cơ sở đóng gói thanh long đã được cấp mã số xuất khẩu trên địa bàn Bình Thuận. Xử lý nghiêm việc sử dụng mã số vùng trồng, mã số nhà đóng gói không đúng quy định và tổ chức sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm đảm bảo, đáp ứng thị trường tiêu thụ.
Với doanh nghiệp, HTX thì chủ động nghiên cứu, tìm hiểu, cập nhật tình hình những yêu cầu của thị trường xuất khẩu, xem xét lựa chọn phương thức xuất hàng khác như qua các cảng biển nhằm giảm tải cho các cửa khẩu đường bộ. Chú trọng, quan tâm thực hiện các giao dịch xuất khẩu theo thông lệ quốc tế thông qua hợp đồng mua bán ngoại thương, liên hệ chủ hàng phía Trung Quốc để đàm phán chuyển dần sang hình thức chính ngạch như: Tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại… Đồng thời chủ động thực hiện lấy mẫu xét nghiệm Covid - 19 trên vỏ bao bì bọc quả thanh long và thùng carton đựng thanh long, kiểm soát chặt chẽ từ khâu thu hoạch, phân loại, đóng gói, bốc xếp hàng hóa… đảm bảo không có vi rút Covid - 19 và chỉ vận chuyển hàng hóa lên cửa khẩu khi đã ký hợp đồng mua bán với đối tác Trung Quốc.
Liên quan vấn đề này, Sở Công Thương Bình Thuận còn đề nghị các doanh nghiệp, HTX ưu tiên lựa chọn phương thức xuất hàng qua cảng biển. Thêm nữa là triển khai công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, tập trung vào các hệ thống bán lẻ, chuỗi siêu thị, liên kết tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước nhằm đẩy mạnh hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Cùng với đó cần tăng cường thu mua thanh long vào vụ thu hoạch để lưu kho, tiêu thụ nội địa, xuất khẩu qua các đường khác (không qua đường cửa khẩu biên giới phía Bắc) để giúp nông dân tiêu thụ thanh long với giá hợp lý.
Tới đây, sở chức năng sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, kênh phân phối nhằm kết nối, đẩy mạnh việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm nông sản, thủy sản cho doanh nghiệp, HTX và nông dân của tỉnh. Tiếp tục theo dõi, trao đổi thường xuyên với Sở Công Thương các tỉnh biên giới phía Bắc để nắm bắt tình hình, phối hợp đơn vị liên quan thông tin, tuyên truyền, khuyến cáo đến doanh nghiệp, HTX về tình hình xuất nhập khẩu qua khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc…