Từ một huyện nông nghiệp nghèo, cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh kinh tế - xã hội hầu như chẳng có gì, nhưng Đảng bộ và nhân dân huyện Tánh Linh đã kế thừa truyền thống cách mạng, đoàn kết vượt qua khó khăn thách thức, ra sức xây dựng quê hương đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Sự thay da đổi thịt này đã làm cho những người đã từng chiến đấu nơi mảnh đất này năm xưa cảm thấy ngỡ ngàng khi có dịp về lại nơi này.
Thắp nén nhang trầm trước vong linh của những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại mảnh đất Tánh Linh, góp phần vào chiến công oanh liệt để giải phóng huyện Tánh Linh vào ngày 25/12/1974 tại nghĩa trang liệt sĩ huyện, cựu chiến binh Trần Quang Nghĩa (SN 1955) hiện đang sinh sống tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng không thể nào quên thời gian tham gia chiến đấu tại chi khu Tánh Linh năm xưa. Ông Nghĩa kể: Năm 1974 ông cùng đồng đội vào chi khu Tánh Linh chiến đấu. Cuộc chiến ở đây rất ác liệt, gian khổ, xa dân nhưng lại gần địch. Sau khi giành thắng lợi ông cùng đơn vị trở lại chiến trường phía Bắc để tiếp tục nhiệm vụ chiến đấu. Có dịp trở lại mảnh đất Tánh Linh này để thắp nén nhang viếng các đồng đội đã ngã xuống để giành lại độc lập cho dân tộc, cho quê hương, ông Nghĩa vẫn còn đau đáu về những đồng đội đã hy sinh ở mảnh đất này nhưng đến nay vẫn chưa tìm thấy để trả lại tên cho anh. Ông Nghĩa cảm thấy ấm lòng về sự quan tâm của các cấp lãnh đạo địa phương đối với công tác đền ơn đáp nghĩa và sự phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa – xã hội của huyện Tánh Linh.
Ký ức lại trỗi dây trong người cựu chiến binh Bùi Văn Tỉnh, (SN 1952), thường trú tại thành phố Đà Nẵng là lính đặc công thuộc tiểu đoàn đặc công 200C, Quân khu 6 cũ khi trở về chiến trường xưa chi khu Tánh Linh: Để vào được chi khu Tánh Linh này ông và đồng đội phải hành quân 6 tháng từ miền Bắc mới vào được nơi này. Vào tới rồi thì bệnh sốt rét lại hành hạ thừa sống thiếu chết, nhưng với ý chí của người lính Bộ đội Cụ Hồ, sự đoàn kết của anh em trong đơn vị, sự động viên của cấp trên, tất cả đã vượt qua được khó khăn, thách thức của bệnh tật, của gian khó và chiến đấu anh dũng, giành nhiều chiến công vang dội giải phóng Tánh Linh.
Sau những phút giây xúc động trước vong linh của các anh hùng liệt sĩ, ông Tỉnh trở nên phấn khởi trước sự thay da đổi thịt của huyện miền núi Tánh Linh: Sự thay đổi của mảnh đất chiến khu năm xưa không thể tưởng tượng được nếu không có người hướng dẫn thì không thể biết được. Nếu như trước đây chi khu Tánh Linh chẳng có gì, ít dân, rừng núi hoang vu thì nay đã trở thành khu đô thị, nhà cửa khang trang, các công trình phúc lợi, trụ sở làm việc của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận, các đoàn thể chính trị xã hội huyện được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Đường sá bây giờ được thảm nhựa, bê tông hóa kiên cố xe ô tô vào đến tận khu dân cư. Có hệ thống thủy lợi Tà Pao cung cấp nguồn nước dồi dào cho sản xuất nông nghiệp. Đi đến đâu cũng thấy những cánh đồng lúa xanh mơn mởn; những vườn cây ăn trái trĩu quả; những rẫy cao su ngút ngàn. Đời sống kinh tế của người dân rất phát triển. Người dân Tánh Linh hiền hòa, mến khách. Hơn nữa các cấp lãnh đạo của huyện Tánh Linh cũng đặc biệt quan tâm đến công tác “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”. Và nghĩa trang liệt sĩ của huyện xây dựng mới ở vị trí rất đẹp, khang trang là minh chứng cho điều đó. Không thể kể hết được sự phát triển mạnh mẽ của chi khu Tánh Linh năm xưa – ông Tỉnh nói.
Sau 40 năm tái lập huyện (1/5/1983 – 1/5/2023), Tánh Linh giờ đây đã có sự thay đổi vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từng bước khẳng định vị thế của mình trong phát triển kinh tế - xã hội – quốc phòng an ninh.