Theo dõi trên

Tánh Linh: Hướng đến sản xuất nông nghiệp chất lượng cao

07/07/2021, 16:40

BT- Trong thời gian qua, Tánh Linh đã thực hiện thành công chương trình tái chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nét nổi bật nhất là vùng lúa chất lượng cao đã “ra lò” thương hiệu “Gạo Tánh Linh” được thị trường ưa chuộng. Ngoài ra các loại cây trồng cạn như đậu xanh, đậu phộng, bắp lai… được chuyển đổi từ diện tích đất lúa kém hiệu quả cũng mang lại thu nhập cao cho nông dân…

Mô hình “cánh đồng lớn” ở Tánh Linh. Ảnh: Đ.Hòa

Tăng thu nhập từ lúa chất lượng cao

Năm 2015, Tánh Linh có nghị quyết tái chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, khi bước vào thực hiện chương trình gặp nhiều khó khăn do chưa định hình được các loại cây, con chủ lực. Năm 2018, qua sơ kết bước đầu Huyện ủy đã ra Kết luận 158, xác định thực hiện các loại cây con chủ lực, phù hợp với địa phương. Từ Kết luận 158, cả hệ thống chính trị ở Tánh Linh tăng cường triển khai thực hiện. Đầu tiên là cây lúa, Phòng Nông nghiệp – PTNT cùng các xã, thị trấn xây dựng vùng lúa chất lượng cao 3.000 ha và thực hiện mô hình “cánh đồng lớn”. Qua 2 năm Tánh Linh đã thực hiện được 1.300 ha, đạt 118% nghị quyết của huyện. Các đơn vị liên kết sản xuất chủ yếu là HTX Công Thành - Đức Linh, Công ty TNHH Đại Nông Cơ giới, Công ty TNHH SX&TM Đại Nhật Phát…Từ vụ đông xuân 2020 - 2021, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời triển khai liên kết sản xuất - tiêu thụ tại 2 HTX Đức Phú và Lạc Tánh với diện tích 92 ha lúa chất lượng cao. Huyện tiếp tục khoanh vùng 100 ha tại các xã Măng Tố, Đức Bình và thị trấn Lạc Tánh sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, sản lượng bình quân 500 tấn/vụ, gắn được nhãn hiệu “Gạo Tánh Linh” được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP với giá bán gấp 2 lần so với quy trình bình thường để tiêu thụ. Định hình vùng chuyên sản xuất lúa giống 250 ha, tạo ra trên 1.200 tấn lúa giống/năm, duy trì việc liên kết với Viện lúa Đồng bằng Sông Cửu Long khoảng từ 20 - 30 ha/năm tại HTX DVNN Gia An, đến vụ đông xuân 2020-2021 mở rộng thêm gần 20 ha tại HTX DVNN Huy Khiêm - Tánh Linh, nâng tổng diện tích liên kết đến nay đạt gần 50 ha. Nhờ vậy, thu nhập bình quân của người nông dân trồng lúa được ổn định, hạn chế được tình trạng tư thương ép giá vào cao điểm thu hoạch, nhất là thu hoạch vụ hè thu nhằm những ngày mưa bão, bình quân đạt 24 triệu đồng/ha/năm đối với sản xuất lúa thường, 31 triệu đồng/ha/năm đối với vùng sản xuất lúa chất lượng cao.  

Phát triển mạnh cây trồng cạn và cây lâu năm

Các xã làm cầu nối để nông dân liên kết đầu tư sản xuất - tiêu thụ sản phẩm với các công ty trong nước. Huyện đã định hình vùng trồng rau an toàn khoảng từ 40 - 50 ha đến năm 2020 tại thôn 5, xã Đồng Kho. Thực hiện chuyển giao các mô hình trồng rau trong nhà lưới, mô hình trồng cây măng tây. Liên kết với Công ty TNHH KDXNK nông sản Hoàng Gia trồng cây ớt, đậu bắp Nhật tại khu vực trồng rau an toàn ở Đồng Kho, La Ngâu, Lạc Tánh với diện tích từ 50 - 70 ha/năm. Liên kết trồng hạt giống lai F1 khổ qua, bí đỏ tại xã La Ngâu, Măng Tố giúp nông dân tăng thu nhập từ 20 - 30% so với trồng lúa (khoảng 33 triệu đồng/ha/năm), ngoài ra đối với các loại cây trồng cạn còn giúp giải quyết lượng lao động tại chỗ, tạo nguồn thu ổn định cho người nông dân. Thực hiện việc liên kết trồng hạt giống đậu xanh với Công ty cổ phần Giống cây trồng Miền Nam và Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang… Hiện nay Tánh Linh đang có 1.750 ha cây trồng cạn gồm rau các loại gieo trồng 900 ha. Đậu các loại, chủ yếu là đậu xanh, đậu đen, mè gieo trồng 850 ha… năng suất bình quân 10,94 tạ/ha, sản lượng 930 tấn…

Bên cạnh phát triển mạnh cây trồng cạn, Tánh Linh đã chú trọng trồng và chế biến cây cao su, cây điều, tiêu… Toàn huyện hiện có trên 4.500 ha điều, năng suất bình quân đạt 7,5 tạ/ha, sản lượng 3.150 tấn, 22.000 ha cao su, 300 ha cây tiêu, năng suất bình quân đạt 8,5 tạ/ha, sản lượng 255 tấn… Mủ cao su, tiêu ở Tánh Linh tiêu thụ chủ yếu thông qua các cơ sở, đại lý thu mua trên địa bàn huyện, sản lượng mủ được chế biến tại chỗ chỉ đạt từ 18 - 20% tổng sản lượng tại 11 cơ sở chế biến (khoảng 6.000 tấn/năm), sản lượng còn lại được các đại lý, cơ sở thu mua xuất bán ra ngoài huyện. Thu nhập bình quân cao su đạt khoảng 40 triệu đồng/ha/năm.

Anh Võ Văn Ty – Trưởng phòng Nông nghiệp – PTNT Tánh Linh cho biết: Nhờ có chính sách phù hợp và sự vào cuộc của hệ thống chính trị từ huyện đến xã nên việc thực hiện liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện trong thời gian qua đã đem lại những kết quả nhất định như định hình được các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh cây trồng, nhất là đối với diện tích lúa chất lượng cao, vùng sản xuất lúa giống và các vùng đất lúa kém hiệu quả để thu hút, mời gọi các đơn vị, doanh nghiệp liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, góp phần ổn định giá cả thị trường nông sản… Huyện đang tăng cường liên kết chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tập trung vào các ngành hàng chủ lực và lợi thế là lúa gạo, điều, cao su để đẩy mạnh sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao với quy mô sản xuất tập trung, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn sản phẩm và giá trị gia tăng cao hơn, gắn với đổi mới hình thức tổ chức sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, còn phát triển một số sản phẩm rau, hoa, củ, quả, các loại cây trồng cạn khác, nuôi và chế biến thủy sản. Tiếp tục mở rộng và phát triển kinh tế trang trại tổng hợp, các vùng chuyên canh, nuôi trồng tập trung có quy mô phù hợp. Phấn đấu tăng giá trị sản phẩm, hiệu quả kinh tế trên mỗi đơn vị diện tích từ 10% trở lên khi thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp…

TrẦn Thi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tánh Linh: Hướng đến sản xuất nông nghiệp chất lượng cao