Cụ thể tới năm 2025 và định hướng đến năm 2030, địa phương tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới cũng như phát huy các nguồn lực đầu tư phát triển. Trong đó tập trung vào 3 sản phẩm chủ lực của Tánh Linh (gồm lúa gạo, cao su, điều) để nâng cao hiệu quả liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của huyện nhà. Đồng thời thực hiện sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với mô hình cánh đồng lớn, áp dụng công nghệ cao và chuyển đổi số, cơ giới hóa trong nông nghiệp. Cùng với đó gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, bảo quản, chế biến nông sản để tạo điều kiện đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Về cây lúa, Tánh Linh tiếp tục duy trì ổn định diện tích đất trồng lúa trên địa bàn toàn huyện khoảng hơn 11.000 ha, ngoài ra còn thực hiện lộ trình xây dựng cánh đồng lớn đến năm 2030 là 7.000 ha trên vùng lúa chất lượng cao. Từ đó hướng đến sản xuất theo hữu cơ vi sinh, phương pháp SRI và chứng nhận VietGAP, GlobalGAP… nhằm góp phần nâng cao chất lượng nhãn hiệu “Gạo Tánh Linh”. Với cây điều thì duy trì diện tích trên 5.700 ha gắn với lồng ghép xen canh, xây dựng các mô hình cải tạo và sử dụng giống mới để thay thế những vườn điều già cỗi, phù hợp thích ứng biến đổi khí hậu cũng như tạo vùng nguyên liệu ổn định phục vụ cho công nghiệp sơ chế, chế biến nhân hạt điều xuất khẩu. Trong khi cây cao su hướng đến ổn định diện tích khoảng 21.800 ha, đồng thời từng bước xây dựng mối liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm mủ cao su.
Triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành, tới đây Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện sẽ tham mưu phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung (mô hình trang trại), ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường tại các xã Gia An, Gia Huynh, Suối Kiết… Mặt khác xử lý triệt để tình trạng sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh, hóa chất không rõ nguồn gốc trong chăn nuôi và tăng cường năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống thú y… Ở lĩnh vực thủy sản, đơn vị chức năng của huyện phối hợp địa bàn cơ sở tận dụng và khai thác hợp lý diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản như tại hồ Biển Lạc, hồ Thủy điện Đa Mi, sông La Ngà, các ao bàu và đa dạng hóa đối tượng nuôi, ứng dụng công nghệ cao tạo đột phá trong nuôi trồng.
Nhờ đột phá về thủy lợi và giống lúa, có thể nói đến nay sản xuất nông nghiệp tại địa phương đã cho ra hạt gạo thơm ngon gắn với nhãn hiệu “Gạo Tánh Linh” và được thị trường ưa chuộng. Sản phẩm này hiện cũng được liên kết với một số doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh và đại lý trong tỉnh mở rộng thị trường tiêu thụ với mức giá cao hơn khoảng 1,5 - 1,6 lần so các chủng loại giống khác sản xuất theo quy trình canh tác bình thường… Đối với việc hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp dài ngày không những tạo ra vùng nguyên liệu điều, cao su để thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư nhà máy sơ chế, mà còn tham gia giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho lao động địa phương.
Cũng nhờ xây dựng được cánh đồng lớn, nên hầu hết các khâu trong sản xuất lúa tại Tánh Linh đều được cơ giới hóa với tỷ lệ cao, nhất là với khâu làm đất, gieo trồng, thu hoạch, vận chuyển, chế biến…