Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, ngành, địa phương và sự đồng tình, ủng hộ tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế được cải thiện, quy mô kinh tế mở rộng, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. An sinh xã hội và các hoạt động văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế thường xuyên được quan tâm. Các gói hỗ trợ cho công tác an sinh xã hội, hỗ trợ nhân dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 tiếp tục được thực hiện nên đời sống của người dân ổn định. Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Bên cạnh những thuận lợi và kết quả trên, kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2021 phải đối mặt với nhiều thách thức, như: Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến rất phức tạp, số ca mắc tăng cao ở nhiều địa phương, các hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, các chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Các ngành, lĩnh vực và hoạt động xuất khẩu ở mức thấp, số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể vẫn ở mức cao… Cũng trong năm 2021, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do vậy tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2021 chỉ tăng 2,77%, đây là mức tăng thấp nhất trong khoảng 10 năm qua, chỉ có 12/17 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt kế hoạch HĐND tỉnh giao. Đặc biệt là hoạt động du lịch chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19, lượng khách và doanh thu giảm mạnh, tiêu thụ sản phẩm, thị trường xuất, nhập khẩu gặp nhiều khó khăn.
Bước sang năm 2022, năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 – 2025) sẽ có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Bởi vì dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường với sự xuất hiện của những biến chủng mới. Tăng trưởng kinh tế dự báo là không đều, chưa vững chắc, tiếp tục tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong khi đó dù kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch Covid-19 của tỉnh tiếp tục được nâng lên, nhưng nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút. Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát tốt.
Trong bối cảnh đó, yêu cầu đặt ra là các cấp, các ngành, các địa phương phải tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân cùng với tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp. Tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương và duy trì các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là một số công trình trọng điểm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Chú trọng phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân.
Mục tiêu phấn đấu của tỉnh trong năm 2022 là GRDP tăng 7,0%. Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh cùng các sở, ngành tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu “kép”, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đồng thời thực hiện các giải pháp phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế, từng bước mở cửa nền kinh tế trong trạng thái “bình thường mới” phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Tháo gỡ vướng mắc trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để triển khai các công trình, dự án, nhất là dự án trọng điểm của tỉnh, dự án giao thông quan trọng, kết nối vùng, địa phương. Nâng cao chất lượng quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư công, tăng cường giải ngân vốn đầu tư đã được phân bổ, thực hiện chặt chẽ công tác quyết toán các dự án theo đúng quy định…