Theo dõi trên

Tàu 67 “mắc cạn”, vì đâu?

29/10/2019, 11:13

Bài 2: Hiệu quả hoạt động tàu 67 ra sao?

BT- Không thể phủ nhận Nghị định 67 đã giúp nhiều ngư dân mạnh dạn đầu tư công nghệ trên những con tàu hiện đại để vươn khơi. Song chính sách này chưa sát thực tế khiến nhiều ngư dân rơi vào nghịch cảnh.

                
   Tàu 67 đang neo bờ.

Góp phần phát triển nghề cá

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị định 67, các sở, ngành và địa phương có liên quan đã kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đưa chính sách đi vào cuộc sống. Qua đó, góp phần tích cực phát triển nghề cá Bình Thuận theo hướng vươn ra xa bờ và đầu tư hiện đại. Số lượng tàu cá đóng mới tăng thêm 114 chiếc với tổng công suất 79.026 CV. Lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh, ngư dân đã mạnh dạn sử dụng tàu cá vỏ thép, vỏ vật liệu mới (composite), đầu tư công nghệ bảo quản tiên tiến, phát triển một số nghề mới có phương thức đánh bắt hiện đại, sử dụng hầu hết thiết bị máy móc chuyên dùng. Nhờ đó, sản phẩm sau thu hoạch được bảo quản tốt hơn, nâng cao độ an toàn cho tàu cá khi hoạt động trên biển, cải thiện đời sống ngư dân. Hoạt động của đội tàu cá 67 trên các vùng biển đã tăng cường sự hiện diện của tàu cá Việt Nam trên các vùng biển, đảo xa bờ, góp phần tích cực bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Song song những hiệu quả đó, vẫn còn bộn bề khó khăn của chính sách này khi đến với ngư dân. 

“Mắc cạn”

Nói về những bất cập khi thực hiện chính sách, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) – Nguyễn Văn Chiến cho hay: Mối quan hệ phối hợp giữa chính quyền địa phương, ngân hàng và các cơ quan chuyên ngành thủy sản còn chưa đồng bộ, chặt chẽ trong quá trình xét duyệt, thẩm định cho vay đầu tư theo Nghị định 67. Một số chủ tàu không đủ năng lực tài chính, trình độ kinh nghiệm quản lý sản xuất còn nhiều hạn chế nhưng vẫn tham gia chương trình với số vốn vay lên đến hàng chục tỷ đồng, dẫn đến mất khả năng quản lý, cân đối tài chính làm phát sinh và tiềm ẩn nợ xấu. Thậm chí có tình trạng ngư dân chây ỳ, cố tình báo lỗ để chậm trả nợ vay.

 Một bất cập nữa mà nhiều ngư dân than phiền, đó là chính sách hỗ trợ bảo hiểm thân tàu thiếu nhất quán. Theo ngư dân Phạm Quốc Hồng (KP3 – Phú Hài), theo Nghị định 67, chủ tàu được hỗ trợ 90% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu (trên 400 CV), nhưng đến nay Nghị định 17/2018/NĐ-CP lại quy định mức hỗ trợ chỉ còn 50%, lại không tính phần giá trị ngư lưới cụ. Mặt khác, theo quy tắc bảo hiểm thực hiện Nghị định 67 ngư lưới cụ (kể cả thiết bị khai thác) chỉ được bồi thường khi bị tổn thất 100% theo tàu. Vì vậy, nhiều tàu cá phải tốn phí đóng bảo hiểm ngư lưới cụ, tuy nhiên quá trình đánh bắt bị hư hỏng, thiệt hại chủ tàu không được bồi thường. Điều này đã làm tăng đáng kể chi phí cho chủ tàu hàng năm.

Thêm một yếu tố đóng vai trò quan trọng, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp gây nhiều bất lợi khi đánh bắt thủy sản. Mặt khác, số lượng tàu cá phát triển quá nhanh làm sản lượng thủy sản trên các vùng biển suy giảm. Vì vậy, ngoài số ít tàu cá hoạt động có thu nhập để trả nợ vay ngân hàng, hầu hết các chủ tàu chỉ dựa vào khoản hỗ trợ theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để trả nợ.

Lãnh đạo Sở NN & PTNT cho biết thêm: Nguyên nhân nhóm tàu làm nghề dịch vụ hậu cần thủy sản hoạt động kém hiệu quả, là do chỉ hoạt động thu mua hải sản trên biển để đưa về đất liền tiêu thụ nhưng lại chưa đa dạng được sản phẩm thu mua. Mặt khác, số lượng tàu dịch vụ thủy sản trong những năm qua phát triển quá nhiều trong khi sản lượng khai thác của đội tàu đánh bắt trên biển liên tục bị sụt giảm. Vào vụ cá bấc, hầu hết tàu cá khai thác xa bờ ngừng hoạt động, đội tàu dịch vụ cũng phải nằm bờ, càng tạo áp lực thêm cho các chủ tàu trong việc trả nợ vay ngân hàng.

Thêm khó khăn nữa khiến nhiều chủ tàu vỏ thép lao đao, là đã đầu tư quá lớn cho hoạt động cung ứng nhiên liệu cho tàu cá xa bờ trên biển. Tuy nhiên, khi tàu hạ thủy và đi vào hoạt động, việc kinh doanh xăng dầu lưu động trên biển bị cấm, nên phương án kinh doanh gần như bị phá sản. Vốn đầu tư lớn, chi phí hoạt động cao nên các tàu này thật sự bị “mắc cạn”, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian đến.

    
    Chi nhánh Ngân hàng   Agribank Bình Thuận là ngân hàng duy nhất thực hiện cho vay đóng mới,   nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67, gồm 114 trường hợp đóng mới và 6   trường hợp nâng cấp. Doanh số cho vay từ đầu chương trình đến nay hơn   1.000 tỷ đồng đối với 120 chủ tàu tham gia.

M.Vân – K.HẰng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tàu 67 “mắc cạn”, vì đâu?