Bài 1: Nỗi buồn sau chuyến biển
Nhiều con tàu 67 lần lượt được hạ thủy trong niềm hân hoan, xen lẫn kỳ vọng của ngư dân về sự đổi đời thật sự trong nghề đi biển và góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo. Thế nhưng, những con “ngựa sắt”, “ngựa gỗ” sừng sững cứ lần lượt “nằm bờ”, chẳng buồn ra khơi nữa bởi những lý do chẳng biết kêu ai…
Lỗ “toàn tập”
Ghé bến cảng Phú Hài (TP. Phan Thiết) những ngày cuối tháng 10/2019, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi không khí đìu hiu, tĩnh lặng. Đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh gần chục con tàu 67 hành nghề mành chụp của phường Phú Hài nằm dài ở bến. Hơn tháng nay, con tàu vỏ gỗ 814 CV đóng theo Nghị định 67 của anh Lê Văn Hà (KP 3 - Phú Hài) nằm bờ sau những chuyến ra khơi thua lỗ. Dẫn chúng tôi ra nơi con tàu đang neo đậu, anh Hà nói trong tiếng thở dài: “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi ra khơi được 8 chuyến nhưng đều thua lỗ. Do đó, một năm qua tôi không đủ tiền trả nợ ngân hàng”.
Chủ tàu này nhớ lại: “Cách đây gần 2 năm, ngày được bàn giao con tàu vỏ gỗ bề thế, rộng rãi, chắc chắn, tôi vui mừng quên cả ăn ngủ”. Lúc đó, niềm tin những chuyến ra khơi trên con tàu vỏ gỗ hiện đại sẽ giúp anh bội thu và sớm trả được nợ ngân hàng. Nhưng rồi mọi chuyện không suôn sẻ như anh nghĩ. “Năm đầu ra khơi tôi còn đánh bắt khá hiệu quả, trả được ít lãi, nhưng từ tết năm ngoái đến nay, đi chuyến nào lỗ chuyến ấy, không đủ trả tiền dầu và các chi phí khác”. Đánh bắt thua lỗ liên tục, lao động trên tàu không có thu nhập nên lần lượt bỏ việc, hầu hết các tàu phải nằm bờ.
Các ngư dân trầm buồn nhìn tàu 67 hàng chục tỷ đồng đang nằm bờ. |
Ánh mắt trĩu buồn, nhìn xa xăm về con tàu có giá trị hơn 14 tỷ đồng đang neo đậu ở bến, ông Phạm Văn Hòa (KP4) cũng đang bồn chồn, lo lắng đến nao lòng. Đã mấy chục năm làm nghề đi biển trên những con tàu công suất nhỏ, lúc nào cũng “hồn treo cột buồm”, nay ông Hòa và 4 cậu con trai yên tâm hơn, vững bước ra khơi trên con tàu vỏ gỗ hiện đại để đánh bắt hải sản. Thế mà! Niềm vui ngắn chẳng tày gang, đi biển chưa đầy một năm, ông buộc phải đưa tàu về nằm phơi nắng vì đi chuyến nào lỗ chuyến ấy. Ông Hòa cho biết: “Mấy năm gần đây, biển mất mùa, nhất là từ đầu năm đến nay, thời tiết thay đổi thất thường, ngư trường dần cạn kiệt, mỗi chuyến biển thu về chỉ 5 - 7 tấn cá, trong khi chi phí cho mỗi chuyến ra khơi phải hơn 200 triệu đồng. Chưa kể, đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa thường xuyên gặp tàu nước ngoài xua đuổi, khiến ngư dân càng thêm khó”. Chính những lý do ấy khiến nhiều tàu 67 “mắc cạn”, lãi mẹ đẻ lãi con, ngư dân rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.
Lo nợ chồng nợ…
Năm 2014 - 2015, ông Trần Văn Hoan (KP3 - Phú Hài) là một trong những ngư dân đầu tiên ở địa phương đăng ký đóng mới tàu 67. Con tàu vỏ gỗ hơn 10 tỷ đồng của ông hạ thủy trong sự trầm trồ và ao ước của nhiều ngư dân khác. Nhưng hoạt động không bao lâu, tàu của ông cũng đành “đắp chiếu” vì lỗ “toàn tập”. Rơi vào cảnh nợ nần, không có tiền trả lãi, buộc ngân hàng phải hóa giá tàu để cấn nợ.
Theo Chi nhánh Ngân hàng Agribank Bình Thuận, đến cuối tháng 9/2019, số tàu cá đang có trạng thái kỹ thuật bình thường là 105 chiếc. Trong đó, số tàu hoạt động có lãi 12 chiếc, 27 chiếc huề vốn và số tàu hoạt động thua lỗ là 76 chiếc (10 chiếc nằm bờ, dừng hoạt động). Đáng nói, nhóm tàu duy trì được hoạt động thường xuyên, bảo đảm có lãi và huề vốn chủ yếu là tàu cá vỏ gỗ khai thác thủy sản bằng các nghề câu, mành chụp, chủ tàu có nhiều kinh nghiệm và năng lực tài chính. Riêng nhóm tàu cá vỏ thép và vật liệu mới (composite) hầu hết đều hoạt động kém hiệu quả. Ngoài một số ít tàu làm nghề khai thác hải sản (mành chụp) còn đa số làm nghề dịch vụ thủy sản.
M.Vân - K.Hằng