Ông Anucha Burapachaisri cho biết Đại tướng Prayuth vẫn là thành viên của Nội các với vai trò là Bộ trưởng Quốc phòng. Theo một lệnh của Văn phòng Thủ tướng do Đại tướng Prayuth ký vào năm 2020, Đại tướng Prawit là người có thứ bậc cao nhất trong số 6 Phó Thủ tướng của Thái Lan và sẽ đảm nhiệm vai trò Thủ tướng tạm quyền.
Trước đó cùng ngày, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã chấp nhận đơn của các đảng đối lập kiến nghị về thời hạn nhiệm kỳ Thủ tướng 8 năm của Đại tướng Prayuth và ra lệnh đình chỉ chức vụ Thủ tướng đối với ông Prayuth cho đến khi có phán quyết của các Thẩm phán. Lệnh này có hiệu lực ngay lập tức. Các thủ tục của Tòa án Hiến pháp dự kiến sẽ được hoàn tất vào cuối tháng 9 và trong thời gian này, Nội các sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ như bình thường.
Người phát ngôn Anucha cho biết Đại tướng Prayuth Chan-o-cha hy vọng rằng người dân sẽ tôn trọng quyết định của Tòa án và tránh đưa ra những chỉ trích về hiệu quả hoạt động của Tòa án.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Don Pramudwinai cho biết việc ông Prayuth bị đình chỉ công tác và quyết định cuối cùng của Tòa án Hiến pháp sẽ không ảnh hưởng đến việc Thái Lan đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao Diễn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11 tới. Ông Don nhấn mạnh rằng còn có 4 tháng để chuẩn bị cho sự kiện này và Nội các vẫn sẽ vẫn tiến hành các nhiệm vụ của mình.
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan (TCC) Visit Limlurcha cũng khẳng định việc chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao APEC vào tháng 11 sẽ tiếp tục như bình thường và Tòa án Hiến pháp có thể đưa ra phán quyết về nhiệm kỳ của ông Prayuth trước khi Hội nghị bắt đầu. Ngay cả khi phán quyết của Tòa án không được đưa ra kịp thời, Thái Lan vẫn có Thủ tướng tạm quyền và các Bộ trưởng khác tiến hành các nhiệm vụ theo kế hoạch./.