Theo dõi trên

Thâm canh táo hướng hữu cơ đạt tiêu chuẩn VietGAP

29/01/2024, 06:04

Mô hình sản xuất táo hướng hữu cơ đạt chứng nhận VietGAP tại xã Phong Phú (huyện Tuy Phong) cho mẫu mã trái đẹp và chất lượng sản phẩm tốt. Qua đó, góp phần tăng khả năng liên kết, tăng lợi nhuận trên đơn vị diện tích, bình quân khoảng 340 triệu đồng/ha, cao hơn ngoài mô hình khoảng 47 triệu đồng/ha…

Cây trồng thế mạnh vùng nắng gió

Táo được xem là một trong những cây trồng chủ lực, thế mạnh của huyện Tuy Phong nói chung và xã Phong Phú nói riêng. Hiện nay diện tích trồng táo toàn xã Phong Phú khoảng 100 ha/225 hộ, doanh thu từ loại cây ăn quả này góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế nông hộ. Đến với vùng táo xã Phong Phú những ngày giáp Tết Nguyên đán 2024, chúng ta có thể tận mắt chứng kiến không gian xanh mát, từng vườn trái sai trĩu quả đang mùa thu hoạch tại các nhà vườn. Đáng chú ý, từng vườn táo san sát hầu hết đều được bao bọc bởi một lớp “áo” bằng màng che phủ để hạn chế tối đa nhất có thể sự gây hại của sâu bệnh, nhất là ruồi vàng. Điều này cho thấy sự đầu tư, chăm sóc chỉn chu của nông dân trồng táo.

z5112761717976_29a565d033e4d24b27c72a2825928978.jpg
Vườn táo thực hiện mô hình tại xã Phong Phú.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, vừa qua đơn vị đã phối hợp địa phương thực hiện mô hình “Thâm canh táo hướng hữu cơ đạt tiêu chuẩn VietGAP” tại xã Phong Phú. Qua đó, mục tiêu tăng năng suất, đảm bảo chất lượng sản phẩm táo, giúp nông dân có thêm điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển cây táo theo hướng bền vững, hiệu quả, góp phần xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng sản phẩm táo đạt chuẩn OCOP táo tươi năm 2024.

Ông Hồ Công Bình – Cán bộ Khuyến nông phụ trách mô hình (Trung tâm Khuyến nông tỉnh) cho biết, mô hình được thực hiện 18 ha, với 57 hộ dân tham gia, thời gian từ tháng 8 - 12/2023. Cụ thể, chính sách hỗ trợ khi thực hiện mô hình là áp dụng chính sách khuyến nông cho xã khó khăn, trong đó hỗ trợ 50% vật tư; 100% kinh phí tư vấn và cấp chứng nhận VietGAP. Ngoài ra các hộ được tập huấn về chuyển giao kỹ thuật, ghi chép sổ nhật ký, các quy định và quy tắc khi sản xuất theo chuẩn VieGAP. Cây táo thực hiện mô hình có mật độ trồng 300 – 350 cây/ha; loại giống táo trong mô hình giống táo xanh, táo TN 05 và táo bơm Thái Lan, tuổi táo từ 1,5 - 3 năm. Chiều cao lồng che táo cao từ 3 m – 3,5 m, chất liệu sử dụng làm lồng là lưới cước, khung giàn lồng gồm tre và sắt.

z5112761706781_92a8a391653c9026fe69e860805a2115.jpg
Thực hiện các biện pháp kỹ thuật tại mô hình.

Táo sinh trưởng phát triển tốt

Theo Trung tâm Khuyến nông, đến nay toàn bộ 18 ha táo thực hiện mô hình được cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP vào cuối năm 2023, do Công ty Cổ phần Chứng nhận và Kiểm nghiệm FAO tại TP. Cần Thơ cấp. Giá trị hiệu lực của chứng nhận 3 năm. Cây táo trong mô hình sinh trưởng phát triển khỏe, dễ ra hoa đậu quả. Thêm vào đó, khí hậu tại xã Phong Phú có số giờ nắng cao, ít mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho cây táo phát triển tốt, năng suất và chất lượng quả cao. Cụ thể, năng suất táo khoảng 50 tấn/ha (hiện tại giá táo xanh bán tại vườn khoảng 10.000 - 12.000 đồng/kg), tăng lợi nhuận trên đơn vị diện tích, bình quân 340 triệu đồng/ha, cao hơn ngoài mô hình khoảng 47 triệu đồng/ha.

Bên cạnh, vẫn xuất hiện một số đối tượng sâu hại như rệp sáp phấn, ruồi vàng, sâu đục trái, bọ trĩ… nhưng tỷ lệ còn thấp chưa can thiệp thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

Theo cán bộ khuyến nông, qua tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, hộ dân đã nắm bắt quy trình sản xuất táo theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời nhận thức tích cực về lợi ích việc áp dụng các phân hữu cơ vi sinh, thuốc sinh học vào sản xuất nhằm góp phần cải tạo đất, nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra được các sản phẩm an toàn. Tuân thủ đúng thời gian cách ly của từng loại thuốc BVTV khi phun phòng trừ trên cây táo. Thúc đẩy sự kết nối giữa sản xuất với thị trường, từng bước xây dựng thương hiệu cho táo VietGAP, hướng đến đạt sản phẩm OCOP cấp huyện năm 2024. Mô hình thâm canh táo hướng hữu cơ đạt chứng nhận VietGAP đã mang lại hiệu quả cho bà con, mô hình tiếp tục nhân rộng cho các xã khác trên địa bàn huyện như Bình Thạnh, Chí Công… Song song, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, sinh thái đồng ruộng.

Để tăng hiệu quả của mô hình thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh mong muốn địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người nông dân trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Cùng với đó, phối hợp tốt với các cơ sở tiêu thụ táo an toàn (VietGAP) giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Quan trọng nhất, cần có sự đồng thuận và ý thức áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất của người nông dân.

Theo ông Ngô Thái sơn – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông tỉnh, đơn vị sẽ tiếp tục xây dựng mô hình trồng táo tại Tuy Phong theo hướng hiện đại, có ứng dụng các công nghệ cao vào sản xuất, minh bạch sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đẩy mạnh khai thác tiêu chuẩn VietGAP đã được chứng nhận, hướng đến các chứng nhận cao hơn, trong đó sản xuất theo hướng tuần hoàn, hữu cơ sẽ được đầu tư thực hiện. Song song đó, gắn vùng sản xuất táo với xây dựng thí điểm mô hình khuyến nông cộng đồng, gia tăng sự kết nối giữa người dân trồng táo với các tổ nhóm, hợp tác xã, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước các cấp trên địa bàn.

KIỀU HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hàm Thuận Bắc triển khai 14 mô hình khuyến nông mang lại hiệu quả
BTO- Ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất không chỉ góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, mà còn tăng thu nhập, cải thiện mức sống cho người dân. Để thực hiện tốt việc này, trong năm 2019 công tác chuyển giao tiến bộ KHKT được huyện Hàm Thuận Bắc tăng cường; ngành chức năng của huyện đã phối hợp tổ chức 112 lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ về trồng trọt và chăn nuôi cho hơn 5.000 lượt nông dân. Đặc biệt, tranh thủ nguồn hỗ trợ của trên, huyện đã triển khai 14 mô hình trình diễn về cây và con mang lại hiệu quả, điển hình như mô hình trồng tỏi tại xã Hồng Liêm đạt năng suất bình quân 35 tạ cho lợi nhuận 33 triệu đồng/ha; mô hình chăn nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học tại xã Hàm Trí cho lợi nhuận hơn 21.000 đồng/con; mô hình trồng dưa leo và khổ qua trên đất lúa tại xã Thuận Minh cho lợi nhuận 80 triệu đồng/ha dưa leo và 175 triệu đồng/ha khổ qua…. 
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thâm canh táo hướng hữu cơ đạt tiêu chuẩn VietGAP