Tháng ba tuyệt là thế, ấy vậy mà theo người La Mã nó lại mang tên của vị thần Chiến tranh: March! Cái tên này tương ứng với thần thoại Hy Lạp là Ares. Nó hiện diện cho tới trước thời Julius Caesar vì khi ấy một năm chỉ có 10 tháng và tháng ba là tháng mở đầu của một năm. Nó được đặt tên này với ngụ ý rằng: mỗi năm mới sẽ khởi đầu cho một cuộc chiến mới. Và thật ngẫu nhiên, đã có một cuộc chiến thật sự đang diễn ra trên cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng trong tháng ba này: cuộc chiến chống Covid 19 vào giai đoạn bước ngoặt!
Cách đây 25 năm, sự kiện nhật thực toàn phần ngày 24 tháng 10 diễn ra với tâm điểm cực đại nhật thực tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ở đất liền may mắn thay bà mẹ thiên nhiên đã gọi tên Bình Thuận và Phan Thiết chính là nơi quan sát được mặt trời che khuất lớn nhất, rõ nhất. Ngày ấy với 53.000 lượt khách đổ xô về đây đã đánh thức cái thị xã nhỏ bé khi ấy chỉ được biết đến với đặc sản là nước mắm. Chính cái thiên nhiên hoang sơ cát vàng, biển xanh, gió lộng cộng thêm hải sản tươi ngon, người dân thân thiện đã làm cho Phan Thiết trở thành một cái tên đầy thu hút đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Và bản đồ du lịch trong nước và thế giới đã gọi tên Mũi Né- Bình Thuận. Trớ trêu thay, cái tên Phan Thiết- Bình Thuận lại gọi nhiều nhất trong những ngày qua khi tỉnh nhà có số ca nhiễm virus Covid- 19 cao nhất toàn quốc trong thời điểm hiện tại. Mọi sự lo âu, nghi ngại và cả những sự chia sẻ động viên đều hướng về tỉnh nhà trong những ngày này.
Nếu như sự kiện nhật thức của năm ấy mang đến sự phồn thịnh cho tỉnh nhà thì sự kiện “đứng đầu” ca nhiễm trong đợt dịch bệnh này đã làm cho địa phương thiệt hại vô cùng lớn lao. Hàng quán, phố xá vắng lặng; đời sống người dân đảo lộn và nếu bệnh dịch tiếp tục kéo dài thì chắc chắn sẽ có một bộ phận người dân đối mặt với đói nghèo. Những ngày qua đã có quá nhiều lời oán thán, phẫn nộ đối với sự “hồn nhiên” mang hình lưỡi mác của “ siêu bệnh nhân 34” và một vài người trong đại dịch. Ta hoàn toàn có thể cảm thông với phản ứng nhất thời của dư luận vì sự “hồn nhiên” này đã mang đến một cái giá quá khắc nghiệt.
Dù vậy, vượt qua những cảm xúc trên, người Phan Thiết nói riêng và dân Bình Thuận nói chung đã kề vai sát cánh bên nhau, đồng lòng phòng chống dịch. Những nháo nhác tích trữ hàng hóa lương thực đã lắng xuống khi Sở Công thương ra thông cáo quyết tâm bình ổn các mặt hàng nhu thiết yếu. Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch góp phần nâng nhận thức của đồng bào bằng truyền thông. Hình ảnh những chiếc xe lưu động thông tin một thời tưởng rằng đã đi vào quá khứ thì nay lại tái xuất hiện khắp đầu thôn ngõ xóm; những chiếc loa phường xã một thời tưởng rằng phiền toái nay lại phát huy với những thông tin chính thống bổ ích. Sở Giáo dục và Đào tạo đang chuẩn bị cho việc dạy online. Dân mạng thì đồng loạt thay đổi avatar hình cá nhân bằng những hình ảnh cổ động thể hiện sự quyết tâm chống dịch. Đặc biệt đội ngũ y bác sĩ, dân quân tự vệ, bộ đội, công an gần như cháy hết năng lượng và công suất làm việc mà không hề than van. Bà con ở xa quê bằng nhiều hình thức khác nhau cũng đã chia sẻ với quê nhà. Những hoạt động thiện nguyện giúp người nghèo, bà con đang thiếu những nhu yếu phẩm cũng đã diễn ra một cách sâu rộng. Chưa bao giờ, người Phan Thiết lại có cảm giác xích gần lại với nhau như thế. Khi nghe có thêm ca nhiễm mới thì đau buốt cả lòng thậm chí nước mắt tuôn rơi; khi biết những dạng F âm tính thì mọi người lại thở phào nhẹ nhõm như chính người thân họ vậy.
Vậy là tháng ba đã đi một nửa chặng đường. Phan Thiết mùa này vốn dĩ ngập sắc vàng của Osaka, của hoàng điệp. Hoa nở vàng trên đường Nguyễn Hội, trong các sân trường… luôn khiến cho học trò xao xuyến. Bây giờ thì hoa vẫn “thắp nến lên hai hàng” rồi lại lặng lẽ rơi. Cả ngả đường, các trường học đều vắng bóng màu áo trắng học trò tự dưng lại thấy hoa buồn đến lạ! Chiều nay, một mình chạy trên con đường vắng đầy xác hoa vàng, tôi chợt thèm cái không khí ồn ào náo nhiệt của phố phường, chợt thèm nghe tiếng trống giục học trò vào lớp chợt thèm cái nhịp sống thường nhật như chưa hề có đại dịch xảy ra. Bất chợt, những câu thơ viết cho tháng ba của Mi Pha trở về: “Tháng ba hỡi trôi đi đừng lắng đọng/ Rớt giọt sầu ta vọng nhớ miên man”. Tôi không thích dùng từ chiến tranh dành cho tháng ba. Nhưng tôi biết rằng cuộc chiến chống dịch sẽ chiến thắng.Tôi tin là thế.
NGUYỄN KHUÊ TÚ