Lạnh trùng chao nghiêng
Tháng bảy. Không biết bao nhiêu lần tháng bảy trong đời rồi mà tôi vẫn cứ cúi đầu nhói đau mỗi khi chạm tới. Buốt lạnh. Rùng mình. Rưng rưng.
Một loại khí âm từ nơi má tôi nằm chợt tràn về, chợt ngập hồn, chợt nhấn chìm tôi. Gió tháng bảy trĩu buồn. Mưa tháng bảy thấu xương. Và lòng người quặn thắt nỗi dằn vặt muộn màng. Có lẽ má tôi trong lòng đất lạnh bao nhiêu thì cũng bấy nhiêu lạnh lẽo xâm chiếm lấy tâm hồn tê tái của tôi.
Tôi ước ao khi viết ra được điều này, mình sẽ được nhẹ nhõm, ấm áp hơn chăng. Tôi ước ao mình biết cách gì đó, làm điều gì đó để vơi bớt những mưa gió trong tận đáy sâu, góc khuất linh hồn thương tật của mình.
Rằm tháng bảy năm ngoái, sư cô chùa Kim Sơn đã cài lên ngực áo tôi đóa hồng trắng muốt, tôi chợt lặng người, rúng động. Gần năm mươi, bầm dập, ngang tàng, sắt đá, mà rồi nước mắt cứ giàn giụa không cầm được như trẻ lên mười. Đứng trước cha mẹ, con cái không bao giờ có tuổi trưởng thành là vậy.
Cho tới giờ này tôi cũng không sao lý giải rõ ràng được sự vắng mặt của mình vào cái ngày má tôi đi xa, trong khi tôi chỉ dạy học cách nhà chưa tới 20 cây số. Không một tin báo. Không một dấu hiệu. Đôi khi tôi cố nhớ lại trong những khoảnh khắc đó, mình có linh tính hay rúng động gì không. Thật sự là tôi không nhớ nổi, tôi vẫn bình thản lên lớp ngày hai buổi và tập trung vào những bài giảng của mình...
Phải chăng đó chỉ là hậu quả của một tội lỗi tiền kiếp? Má trút hơi thở cuối cùng mà tôi không hề hay biết. Đám tang má mà tôi không hề hay biết, cho tới khi cuối tuần khăn gói về nhà thì... Tôi choáng váng, đổ ập xuống như bị một cú đánh trọng thương tận linh hồn, như một thân cây bị phạt ngang tận gốc.
Từ đó, tôi thương tật. Từ đó, tôi tha hương, tha hương ngay chính trên quê hương mình. Từ đó, tôi dằn vặt, quằn quại không nguôi. Và cũng từ đó, tôi bàng hoàng nhận ra sự vô cùng của lòng người.
Và tháng bảy đau đớn triền miên trong ác mộng tôi, trong đời sống tôi. Và mưa dầm, gió trĩu u tối triền miên phủ lên từng bước đi uất giận của tôi.
Hơn năm sau đó, tôi mới gặp được má trong giấc chiêm bao. Má cười hiền nhìn tôi, báo cho tôi một tin vui và lặng lẽ ra đi. Má là vậy! Lòng má bao giờ cũng mênh mông rộng lượng hơn cả đường chân trời. Nhớ những ngày cùng khổ, ba tôi mất sớm, căn nhà chằng đụp của gia đình tôi nắng xuyên mưa dội dữ lắm và bao giờ anh em tôi cũng được nằm chỗ khô ráo hơn, má luôn ở phía nước tuôn dầm dề.
Nhớ đến dại lòng những tất tả ngược xuôi của má... Nhớ đến đau thắt con tim những thâu đêm suốt sáng của má. Nhớ đến bần thần cả người những cắm cúi một nắng hai sương của má... Má là vậy! Sống vì con. Má là vậy! Chẳng có gì cho riêng mình...
Dù gì thì tôi cũng đã phạm trọng tội bất hiếu. Dù gì thì tôi cũng là kẻ bất nhân, không biết gì, không hay gì về ngày cuối của má, không có mặt đưa má về bên kia.
Bao nhiêu lần tôi dập đầu trước mộ má nhưng rồi gió vẫn trĩu, mưa vẫn thấu xương và ký ức cứ mãi lưu giữ cú đánh trọng thương tận linh hồn ấy. Có những vết thương không bao giờ khép miệng, không bao giờ lành lặn. Nước không đi qua chân cầu hai lần, chiếc đồng hồ nghiệt ngã của người con ân hận không thể quay ngược kim về chốn vẹn nguyên thanh lương. Bình an đã mất một lần là mãi mãi.
Tháng bảy, năm nay, tôi không dám đến chùa vì sợ cái màu trắng muốt của hoa hồng trên ngực. Tôi sợ soi mình vào giọt nước mắt trần ai ấy. Tôi sợ... biết tôi lạnh má lại càng lạnh hơn, tôi sợ... cơn lạnh trùng tháng bảy.
Nguyễn Hiệp