Theo dõi trên

Tháng giêng, dinh Thầy

23/02/2022, 08:23

Tháng giêng, khách thập phương gần như dành hết thời gian cho việc lễ chùa, tạ ơn và du xuân…

img_9492.jpg
Chen nhau cúng tạ lễ.

Tháng giêng ở dinh Thầy Thím đã ít nhiều có được cái không khí của mấy ngày xuân vừa vụt qua, sau những thăng trầm. Nơi đây, vẫn là nơi tìm đến của nét văn hóa tín ngưỡng. Một dinh Thầy sau rằm tháng giêng vẫn còn đông đúc, nhưng lại trầm mặc giữa vùng đất đang bắt đầu với những phát triển. Những con đường nối dài được tu bổ, rộng rãi hơn, thuận lợi để có thể chào đón du khách.

Từ lâu, dinh Thầy Thím là địa điểm có nhiều nét đặc trưng của văn hóa tín ngưỡng, linh thiêng, huyền bí. Quan trọng nhất vẫn là nơi khách thập phương đặt niềm tin và tưởng nhớ. Tháng giêng âm lịch, dòng xe ra vào vẫn tấp nập của khách thập phương viếng mộ, cúng bái, tạ lễ tại dinh Thầy Thím. Quan sát của chúng tôi, du khách từ Tp. HCM, các tỉnh Vũng Tàu, Hà Nội, Vĩnh Long, Cần Thơ, Tiền Giang... và người dân ở các huyện trong tỉnh. Chính vì niềm tin vào những điều tốt đẹp, vì vậy hàng năm vài lần họ đến để thắp hương, tưởng nhớ và “tạ lễ” theo suy nghĩ tâm linh thường thấy của người Việt. Chị Ánh Nguyệt, cùng gia đình vào viếng dinh Thầy cho biết: “Năm nay, chị đi sớm hơn mọi năm. Mỗi năm chị đến viếng 2 lần, vào kỳ lễ hội tháng 9 âm lịch và tháng 2 âm lịch. Nhưng gia đình thích đi những lúc vắng vẻ, để thuận tiện việc cúng kính cho đàng hoàng”- chị Ánh Nguyệt cho biết.

“Việc viếng dinh năm nào chị cũng đi với gia đình, vừa kết hợp du xuân, vừa cầu mong sự bình yên cho gia đình. Thật ra, cả năm qua, ai cũng mệt mỏi, làm ăn khó khăn, không thể đi lại được, nên đây cũng là dịp thư giãn” – chị Ngọc Phụng đến từ Tp. HCM cho biết.

“Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân đi viếng dinh tuân thủ đeo khẩu trang, ở các cổng ra vào đều có xịt khuẩn để hỗ trợ cho du khách. Năm nay người dân đã bắt đầu đi viếng trở lại, nên tần suất rất đông đúc”- ông Trần Tấn Chọn, nhân viên của dinh chia sẻ.

Tháng giêng, ở dinh Thầy không khó để nhìn thấy những gia đình tụ hợp dưới tán cây vui chơi sau khi hoàn thành việc cúng tế, ngay giữa khu thờ chính, chiếc bàn lớn dùng để dành cho du khách chuẩn bị lễ vật gần như chật cứng không có chỗ cho người đến sau. Phải đợi, hoặc chờ người ta cúng xong vội vàng bưng ra, cho người khác thế vào. “Đông quá cũng ngại, nhưng do gia đình mình cũng hay đến dinh Thầy, vì mình làm ăn nên có kiêng có lành một phần, nhưng cũng vì đó là thói quen lâu nay, để tưởng nhớ công đức và cầu mong gia đình được bình an” - anh Nguyễn Văn Đức chia sẻ.

Dinh Thầy Thím những dịp thường nhật, không đông đúc, thậm chí vắng. Hàng quán 2 bên đường vào dinh cũng nghỉ hết. Họ làm ăn theo thời vụ, chỉ vài người buôn bán lẻ nhang đèn, vé số còn tụ tập để tìm kiếm cuộc sống. Nhưng năm nay, có lẽ dù đã nỗ lực sắp xếp nhưng lượng người ăn xin tái diễn, đeo bám du khách xin xỏ ở phía trước cổng dinh và khu vực mộ thầy vẫn còn, nó khiến mất nhiều giá trị vốn có của danh lam thắng cảnh tồn tại lâu đời.

Để xây dựng nên điểm đến về du lịch tín ngưỡng như dinh Thầy Thím hiện nay, chính quyền địa phương sở tại đã nỗ lực rất nhiều năm mới có được. So với trước, tình trạng người lang thang xin ăn, đã giảm nhiều. Dù có thế nào, hiển nhiên trong mắt du khách sẽ bị điểm trừ, nếu không giải quyết triệt để vấn nạn này.

QUANG NHÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch: 
Nhiều hoạt động kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận
BTO - Hôm nay (15/2), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch triển khai tổ chức các hoạt động kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tháng giêng, dinh Thầy