Mẹ tôi đau buồn nặng trĩu đôi vai…”
(Mẹ tôi - Nhị Hà)
Tháng mười như một giấc mơ bị lãng quên. Tháng mười như một đoạn băng ghi lại giọng trẻ con bi bô gửi cho người lính phương xa. Và tháng mười, đêm mưa dầm, chợt nhớ góc nhà dột, nền sũng nước, má tôi ngồi cời lửa, mải mê ngồi cời lửa. Lúc ấy tôi còn quá nhỏ, quá thơ ngây để hiểu tại sao má cứ ngồi suốt đêm đẩy nhẹ từng chút một những khúc củi vào ông lò và lấy đôi đũa sắt khều khều cho những đầu than cháy đỏ lép bép tung những bông hoa li ti rực rỡ lên như thế. Cời lửa, cái công việc bây giờ chắc chẳng còn ai nhớ tới nhưng riêng tôi luôn ắp đầy một vùng ký ức tháng mười với những bông lửa li ti ấy.
Ảnh minh họa |
Gần đây, nhờ trang mạng xã hội facebook mà tôi nối kết lại được với cô giáo dạy tôi hồi lớp năm, người cầm tay tôi nắn nót những con chữ đầu tiên trong đời. Bây giờ, sống với nghiệp nghề chữ nghĩa, những đường nét bút chì run run ngoằn ngoèo trên trang giấy trắng đầu đời ấy ý nghĩa với tôi biết bao. (Ngày trước, cấp tiểu học có các lớp năm tương đương lớp một bây giờ, các lớp lên dần theo thứ tự lớp tư, lớp ba, lớp nhì, lớp nhất và các thầy cô giáo dạy từng lớp tôi vẫn còn nhớ như in: Cô Trần Thị Chỉ, cô Nguyễn Thị Kim Hơn, cô Lê Thị Liên, cô Trần Thị Thu Sương, thầy Hồ Nhỏ…).
Sau đó, cô Chỉ gọi cho tôi từ San Diego, một thành phố duyên hải miền Nam tiểu bang California, nơi cô đang định cư. Nhận cuộc gọi tôi xúc động lắm, tôi rưng rưng nghe cô nhắc lại nhiều chuyện xưa cũ ở Tân Hiệp, cô nhắc nhiều đến khu xóm nhà tôi và cả nhà cô cùng ở, nhắc đến cái chết đau đớn do chiến tranh của ba tôi, kể cho đứa trò nhỏ ngày xưa bây giờ đã râu ria tóc tai “muối nhiều hơn tiêu” nghe câu chuyện về cuộc đời cơ cực của mình. Cô nói: Nhà cô nghèo lắm, cùng cực lắm... Cô nhớ ơn người yêu và bây giờ là chồng cô đã giúp cô trở thành cô giáo… Khi nhà em bị cháy và cả những trận cháy xung quanh không ai biết nguyên nhân vì sao… Cả xóm toàn mái tranh, cảnh màn trời chiếu đất nối nhau từ gia đình này đến gia đình khác, nhớ lại thấy đau tức ngực… Những mái tranh xóm nghèo lúc ấy chợt hiện về trong tôi, một thời tuổi nhỏ cơ khổ chợt ùa tràn, sống lại như một mảnh ghép vừa đặt vào đúng chỗ làm cho bức tranh hiện lên sống động.
Tháng mười năm ấy, nắng cũng không gắt lắm, mưa đã đều trời, thậm chí có những ngày dầm dề nhưng ngôi nhà tranh của gia đình tôi tự dưng phát hỏa từ nửa vách rồi bùng lên đến tận mái. Má tôi hoảng loạn, loay hoay, vừa chạy vừa bò, tay xách nách mang vừa con cái vừa lỉnh kỉnh quần áo đồ đạc ra khỏi vùng cháy trước khi hàng xóm chạy tới dập những ngọn lửa cuối cùng. Nhà tranh cháy nhanh lắm, bùng lên và thiêu rụi. Số đồ đạc còn lại ít ỏi lấm lem tro bụi của mẹ con tôi gửi đâu người ta cũng không nhận vì sợ bà hỏa theo sang hoặc con quỷ có cái lưỡi lửa nào đó tìm đến. Lúc bấy giờ nhiều nhà cũng tự nhiên bốc cháy làm cho cả xóm hoang mang, thất kinh lo sợ chớ dân làng tôi vốn hiền hòa và sống với nhau tình cảm như bát nước đầy.
Sau mấy vụ cháy liên tiếp, cùng với cả xóm gia đình tôi nhận được mấy chục tấm tôn và hàng cứu trợ của chính phủ nên nhà cửa không còn bị dột nát và bị bà hỏa đe dọa nữa. Một cây đèn Hoa Kỳ sáng trắng thay cho mấy cọc đèn dầu cổ lỗ đã làm cho không gian sống của gia đình tôi khá hơn lên rất nhiều. Nhưng rồi những ngày mưa tháng mười trong mái nhà tranh cũ của bà mẹ trẻ và năm đứa con thơ đã trở thành một đoạn ký ức khó phai. Mãi đến khi trên đầu đã hai màu tóc tôi mới hiểu ra việc ngồi cời lửa suốt đêm của má, đó không chỉ là việc cẩn trọng vì quá sợ nhà cháy mà còn vì sợ cả bóng mình. Một người đàn bà đẹp vừa qua tuổi ba mươi đã ở vậy thờ chồng nuôi con sao không sợ chính mình, sao không sợ đêm rất dài.
Thời chiến tranh, Tân Hiệp là trung tâm quận lỵ, là nơi có nhiều lính tráng đồn trú. Nhà tôi ở cạnh khu gia binh, cứ vài ngày lại có những người vợ lính quấn trên đầu giải khăn tang trắng mới và những tiếng khóc thét giữa đêm, vài ngày lại có đám tang năm, tang ba, tang bảy. Tôi nghĩ chính cái bối cảnh ấy đã tác động rất lớn đến suy nghĩ của những người đàn bà đội nón lá như má.
Tháng mười cời lửa đêm mưa. Tháng mười, những bông lửa bung bay rực rỡ chỉ còn trong ký ức. Những câu chuyện buồn của xóm làng, của má, của cô giáo tôi và của cả một phần tôi, lâu dần rồi cũng qua nhưng dường như cuộc đời này được dệt bằng những câu chuyện buồn, chồng chéo lên nhau, đan xen lẫn nhau và cùng tạo nên cái gọi là ý nghĩa đời người. Và tôi nghĩ, phải chăng nhờ đó mà những câu chuyện vui mừng trở nên vui mừng hơn, hạnh phúc cũng trở nên hạnh phúc… hơn rất nhiều.
Nguyễn Hiệp