Theo dõi trên

Thầy ra thầy, trò ra trò !

15/12/2023, 05:58

Bài viết “Cô – trò cùng sẻ chia và yêu thương” trên báo Bình Thuận ngày 8/12/2023 được bạn đọc quan tâm. Út Mũi Né nói rõ thêm, nhân vật cô giáo trong bài viết chính là PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Cô giáo vốn là học sinh chuyên toán của tỉnh Nam Định, học toán xuất sắc, nhưng sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông loại ưu, cùng lúc Nguyễn Thị Trường Giang rẽ ngang, bỏ học toán thi vào khoa văn đại học sư phạm Hà Nội và khoa báo in Học viện báo chí và Tuyên truyền. Đậu vào đại học điểm xuất sắc cả hai trường, Nguyễn Thị Trường Giang đã chọn ngành báo chí theo học. Tốt nghiệp đại học báo chí điểm thủ khoa, Nguyễn Thị Trường Giang được giữ lại làm cô giáo dạy nghề báo.

1t.jpg
PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Sáng sớm 8/12/2023 trên đường đi sân bay quốc tế Nội Bài làm thủ tục xuất cảnh đi công tác châu Âu, cô giáo Trường Giang đọc bài “Cô – trò cùng chia sẻ và yêu thương” trên báo Bình Thuận điện tử, lập tức nhắn tin cho Út Mũi Né và báo Bình Thuận, nguyên văn: “Thật bất ngờ và biết ơn báo Bình Thuận. Em đã khóc suốt tối qua, sáng nay học trò nhắn tin em lại khóc, mắt sưng húp. Bây giờ đọc bài của Út Mũi Né, em lại khóc! Thế này thì ra sân bay chắc sẽ xấu lắm. Em đi công tác nước ngoài, đến 10/12/2023 mới về lại trường”.

Câu chuyện của PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang được chính cô kể cho nhiều giáo sư tại 3 trường đại học danh tiếng ở London (Anh) và Paris (Pháp) khi cô tới đây dự hội thảo khoa học và bàn về quan hệ hợp tác; bàn về ý thức trách nhiệm và tình yêu thương của cô thầy đối với các trò. Câu chuyện diễn ra gần như cùng lúc với sự lan truyền trên mạng xã hội về nhóm học sinh lớp 7 tại tỉnh Tuyên Quang “vây hãm” cô giáo vào một góc trong lớp học!

Vụ việc cô giáo bị trò nhốt tại Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đang được ngành giáo dục đào tạo và địa phương Tuyên Quang xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, vô luận trong hoàn cảnh nào, cách hành xử “hỗn láo” của các trò là sai trái, không thể chấp nhận, trái với đạo đức tôn sư trọng đạo ngàn đời nay của dân tộc ta. Và chính cô giáo dạy âm nhạc và ban giám hiệu nhà trường nơi đây cũng không thể biện minh về trách nhiệm làm vẩn đục môi trường sư phạm vốn rất đẹp, thân thương, đáng yêu. Các bậc cha mẹ của những học sinh “hỗn láo” cũng không thể vô can (!). Bài học đau xót sẽ nghiêm khắc được tỏ bày, để không bao giờ tái diễn những sai phạm tương tự.

Đặt trong bối cảnh đó để thấy cách hành xử của cô giáo PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang là đáng nể. Cao hơn tất cả vẫn là “Thầy ra thầy, trò ra trò”, “Tiên học lễ, hậu học văn”, bỏ thói chạy đua thành tích nơi trường học, coi nhẹ giáo dục đạo đức, rèn giũa kỹ năng sống trong nhà trường. Tình yêu thương của thầy cô, tất cả vì học sinh thân yêu, từ trái tim nhân hậu, yêu trò thực tâm. Tại Bình Thuận, trong một trại cai nghiện ma túy của tỉnh, dù không phải là thầy cô giáo nhưng tất cả cán bộ nơi đây đều được các học viên gọi là thầy, là cô với sự tôn trọng đáng yêu. Bởi lẽ các cán bộ đã dành tình thương yêu cho chính những người đã lầm đường, lạc lối – nghiện ma túy - nay thật sự có cơ hội cai nghiện, tái hòa nhập với đời thường.

Mới đây, Út Mũi Né cùng nhóm bạn thời học trung học phổ thông đến thị xã La Gi, Bình Thuận thăm thầy giáo chủ nhiệm, dạy môn văn. Tuổi cửu thập, mái đầu thầy bạc trắng, dáng đi của thầy quắc thước, nhanh nhẹn, thầy gọi đúng phóc từng làng xã nơi các trò sinh thành, tên vợ, tên chồng của các trò. Đã hơn nửa thế kỷ xa nhau, nay gặp lại thầy và trò đều ôm nhau khóc, nước mắt giàn giụa. Chỉ có tình yêu thương từ trái tim những ngày thầy dạy trò trên ghế nhà trường, có lúc thầy nhịn cơm dành phần gạo ít ỏi nấu cháo cho trò bị bệnh, nay mới sâu đậm nghĩa tình thầy và trò đặc biệt như vậy!

Tản mạn câu chuyện “Cô - trò cùng sẻ chia và yêu thương” để càng thêm yêu, thêm quý mái trường thân yêu, nơi thầy cô đã truyền lửa, dạy dỗ các trò nên người, trở thành những công dân tiêu biểu, tài hoa, có ích cho xã hội…

ÚT MŨI NÉ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Cô - trò cùng sẻ chia và yêu thương
Trên trang mạng xã hội, một PGS. TS - cô giáo giảng dạy nghề báo, ngày đầu tháng và tháng cuối năm, 1/12/2023 đã viết, nguyên văn như sau: “Có những học trò như thế. “Nó” - thường gọi những học trò nhỏ tuổi theo kiểu thân thiết thế - là học trò mình nhận hướng dẫn luận văn thạc sĩ báo chí. Từ lúc nhận lời đến lúc kết thúc, chỉ gặp mặt đôi lần, hầu như là trao đổi qua email, điện thoại, tin nhắn!
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thầy ra thầy, trò ra trò !