Theo dõi trên

Thêm một bộ sách giáo khoa nữa sẽ rất rối

20/08/2023, 06:11

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã và đang được thực hiện sang năm học thứ 4 ở các khối lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10 và 11. Các bộ sách giáo khoa 5, 9 và 12 cũng đã được thẩm định xong.

Một số địa phương đã bắt đầu sử dụng ổn định một số bộ sách giáo khoa. Vậy mà, trong phiên họp xem xét việc triển khai NQ 88 của QH/2014 ngày 14/8 vừa qua, vẫn có những ý kiến yêu cầu cần có bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

1651747427972.jpg

Nhiều ý kiến trái chiều đã diễn ra. Một số ý kiến phân tích, việc Bộ Giáo dục biên soạn một bộ sách giáo khoa bằng nguồn ngân sách nhà nước, giá thành bộ sách giáo khoa sẽ thấp, kéo theo tính cạnh tranh cao hơn và người dân sẽ được mua sách giáo khoa rẻ hơn.

Tuy nhiên, phần đông, các nhà giáo đều không đồng tình có thêm một bộ sách giáo khoa nữa. Bởi, chính các thầy cô là người thấy rõ nhất sự xuất hiện thêm một bộ sách giáo khoa nữa (mà do chính Bộ Giáo dục) biên soạn.

Thêm một bộ sách giáo khoa, sự lãng phí sẽ tăng gấp nhiều lần

Kể từ năm học đầu tiên áp dụng chương trình mới đối với lớp 1 (năm học 2020-2021), phụ huynh phải bỏ tiền ra mua một bộ sách giáo khoa mới đắt hơn bộ sách giáo khoa hiện hành gấp 3 lần.

Sau một năm học, những bộ sách giáo khoa lớp 1 này đều “dính sạn” và sách giáo khoa phải chỉnh sửa khá nhiều. Sang năm học 2022-2023, bộ sách giáo khoa cũ phải bỏ đi không thể sử dụng lại được. Nhiều phụ huynh phải mua bộ sách giáo khoa mới.

Những năm học tiếp theo, một số địa phương tiếp tục thay sách giáo khoa với lý do bộ sách giáo khoa A. được biên soạn chất lượng hơn bộ sách giáo khoa B, bộ sách giáo khoa C… Một số địa phương khác lại đưa ra lý do sử dụng đồng bộ sách giáo khoa của các lớp, chất lượng học tập sẽ cao hơn.

Ví dụ, lớp 2, lớp 3 lựa chọn bộ sách giáo khoa “Kết nối tri thức” thì lớp 1 đang học bộ sách “Chân trời sáng tạo” cũng nên đổi luôn sang bộ sách “Kết nối tri thức” hoặc ngược lại.

Cho tới thời điểm này, khi chương trình mới được thực hiện đến năm thứ 4 thì việc chọn bộ sách giáo khoa ở nhiều địa phương cũng gần như đi vào ổn định. Nếu bây giờ, bỗng xuất hiện thêm một bộ sách giáo khoa mới do Bộ Giáo dục biên soạn sẽ thế nào?

Lập tức, sẽ có nhiều địa phương tiếp tục thực hiện việc thay sách giáo khoa. Và như thế, những bộ sách giáo khoa đã học trước đó phải bỏ đi để thay bộ sách mới. Không chỉ thay ở một khối lớp, bắt đầu từ lớp 1 đến lớp 12. Và kéo theo, năm học nào người dân cũng phải mua một bộ sách mới.

Không đơn giản chỉ mất thêm một khoản tiền để thay sách, có thêm một bộ sách giáo khoa mới cũng sẽ kéo theo nhiều áp lực cho giáo viên ở các trường học.

Thêm bộ sách giáo khoa, tất cả phải làm lại từ đầu

Đó là việc, giáo viên phải ngồi lại góp ý, bình chọn và tập huấn sách lại từ đầu. Mỗi năm, vẫn sẽ lặp lại những công việc ấy một lần cho cấp học của mình. Thời gian sẽ kéo dài tới 5 năm sau.

Tiếp tục thay sách, ngoài việc bỏ sách cũ gây lãng phí lớn cho phụ huynh. Giáo viên cũng phải nghiên cứu, soạn giảng lại từ đầu. Trong khi, công sức đầu tư nghiên cứu, học tập trước đó đành phải bỏ.

Nhà trường sẽ mất thêm nhiều thời gian kiểm tra, dự giờ thao giảng để đánh giá lại việc thực hiện sách giáo khoa mới. Đánh giá tác động chất lượng của bộ sách mới đến việc học tập của học sinh.

Ngoài ra, còn mất thêm rất nhiều thời gian để viết báo cáo từ giáo viên, cấp tổ, cấp trường đến cấp phòng, cấp sở.

Việc có thêm một bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục biên soạn dễ dẫn đến việc quay trở lại độc quyền sách giáo khoa như trước đây. Thế là, mất bao công sức đổi mới, thực hiện “một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa” đã được Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông được Quốc hội thông qua trước lễ bế mạc kỳ họp thứ 8 sẽ trở nên vô ích.

Giống như, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã từng khẳng định: "Một chính sách đang thực hiện nửa chừng mà thay đổi sẽ dẫn đến sự hỗn loạn trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới".

PHAN TUYẾT


(16) Bình luận
Bài liên quan

Giám sát ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại Sở Giáo dục và Đào tạo
BTO-Chiều 17/8, Đoàn Giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật từ ngày 11/1/2019 đến ngày 30/6/2023” tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh. Ông Nguyễn Hữu Thông - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì buổi giám sát.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thêm một bộ sách giáo khoa nữa sẽ rất rối