Theo dõi trên

Thêm một cảnh báo đau xót từ khai thác titan

21/10/2022, 05:22

Tuần qua, vụ sạt lở cát vùi lấp 4 công nhân tại mỏ titan nam Suối Nhum, của Công ty TNHH TM Tân Quang Cường, khiến dư luận bàng hoàng, đau xót.

Ngay sau đó, UBND tỉnh có công văn chỉ đạo khẩn trương khắc phục sự cố; Sở TN-MT Bình Thuận gửi văn bản hỏa tốc tới các tổ chức - cá nhân đang khai thác khoáng sản, yêu cầu kiểm tra, xử lý nguy cơ mất an toàn bãi thải, hồ chứa nước trong khu vực mỏ khoáng sản, nhất là đang trong mùa mưa bão.Vụ việc rất đau lòng này khiến dư luận lại liên tưởng tới những hệ lụy của hoạt động khai thác titan các năm qua.

Bình Thuận có trữ lượng trên 599 triệu tấn quặng titan, chiếm 92% trữ lượng quặng titan của cả nước, và đã được quy hoạch trở thành trung tâm công nghiệp khai thác - chế biến quặng titan của quốc gia. Tổng diện tích quy hoạch dự trữ titan trên 100.000 ha, phần lớn nằm ven biển, chồng lấn với các dự án du lịch, điện gió, điện mặt trời… Trong nhiệm kỳ 5 năm qua, hơn 50 dự án lớn chồng lấn với quy hoạch dự trữ titan không triển khai được, kéo chậm tốc độ tăng trưởng của Bình Thuận.

Bình Thuận đang rất hy vọng NĐ 51/2021/NĐ-CP về quản lý khoáng sản tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, sẽ giúp địa phương tháo gỡ “điểm nghẽn” này. Xin nói thêm, NĐ 51 cũng là kết quả sau rất nhiều nỗ lực kiến nghị, đề xuất tháo gỡ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận lên Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.

Bởi vì NĐ 51 có điểm “mở” ra rất quan trọng, đó là cho phép thực hiện các dự án KT-XH trên khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (có nghĩa là dự án được chấp thuận triển khai trong vòng đời 50 năm, trường hợp đặc biệt không quá 70 năm - NV).

Các năm qua, do chưa đủ điều kiện chế biến sâu, tình hình khai thác titan không hiệu quả, giá bán thấp, chủ yếu xuất thô qua Trung Quốc. Nhiều dự án khai thác titan ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái, làm cạn kiệt nguồn nước ngầm ở nơi vốn rất khô hạn; nhiều sự cố môi trường nghiêm trọng như sạt lở, lũ cát, vỡ bờ mong chứa bùn đỏ xảy ra, làm thiệt hại tính mạng và tài sản nhân dân, khiến dư luận bức xúc.

Nhưng sau 50-70 năm nữa, khi trình độ công nghệ của Việt Nam đã khác, việc tổ chức khai thác, chế biến sâu titan sẽ đem lại lợi ích to lớn cho cả đất nước và Bình Thuận nói riêng. (Titan và các hợp kim từ titan được sử dụng trong công nghiệp hàng không, vũ trụ, luyện kim, chế tạo máy, hóa chất…).

Đó là lý do mà một số cán bộ lão thành, hưu trí ở Bình Thuận từng kiến nghị: khoan khai thác titan, đưa vào dự trữ quốc gia, 50 năm sau con cháu chúng ta đủ điều kiện công nghệ thì khai thác cũng chưa muộn. Trong nửa thế kỷ ấy, làm du lịch hay năng lượng tái tạo thì hiệu quả hơn…

Để dành nguồn tài nguyên quý hiếm cho con cháu, tránh thất thoát, lãng phí tài nguyên - dư luận rất ủng hộ ý kiến tâm huyết ấy.

ĐẶNG DŨNG


(1) Bình luận
Bài liên quan
Ứng xử của cán bộ, đảng viên với mạng xã hội
BTO - Đối với một số người, sử dụng mạng xã hội (MXH) chỉ là “chơi thôi”, nhưng trong cuộc chơi này không hoàn toàn vô bổ, cũng như không hoàn toàn vô hại. Vì thế, người sử dụng MXH phải hết sức thận trọng. Là cán bộ, đảng viên lại càng phải thận trọng hơn...
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thêm một cảnh báo đau xót từ khai thác titan