Theo dõi trên

Thi liệu ước lệ

03/06/2022, 05:51

Đứa cháu về gặp tôi mượn tài liệu để làm bài. Hỏi về nội dung gì? Nó nói yếu tố ước lệ trong Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu. Chưa kịp lấy sách, nó cười bảo: Thôi! Rồi nhờ gợi ý, chứ giờ ngồi đọc tìm ý không kịp, mai nộp bài rồi.

Tôi nói học phải đọc rồi ghi chép, để tích lũy tư liệu tra cứu về sau. Bài Hoàng Hạc lâu ra đời đã hơn 1.200 năm, biết bao người nghiên cứu, phê bình rồi, sao không tìm bài nào mới lạ một tí để thể hiện tính sáng tạo. Nó nói thầy cho đề tài vậy.

bai-tho.jpg

Bài thơ lấy cảm hứng cảnh vật lầu Hoàng Hạc. Tên địa danh này gắn với nhiều huyền thoại, rằng các tiên trước khi về tiên giới thường cưỡi hạc qua đây nghỉ. Theo Liệt tiên toàn truyện của Vương Thế Trinh đời Minh kể rằng xưa có người tên Tân mở quán rượu trên khu đất lầu Hoàng Hạc. Một hôm có vị thiền sư theo Lão giáo ghé quán nghỉ chân, được chủ quán mời rượu không tính tiền. Để đền ơn, thiền sư vẽ hình một con hạc vàng lên vách và khi vỗ tay thì con hạc trên tường bỗng dưng nhảy múa rất đẹp. Từ khi có hiện tượng con hạc kỳ lạ đó, quán rượu trở nên nổi tiếng thu hút nhiều khách thập phương, chủ quán trở nên giàu có. Khoảng 10 năm sau, vị thiền sư trở lại thăm quán, lấy sáo ra thổi, rồi vỗ tay gọi hạc bay ra và cưỡi lên lưng hạc về trời. Để ghi nhớ sự kiện kỳ lạ và cơ duyên trong việc gặp gỡ thiền sư huyền bí này, chủ quán thuê nhân công xây một lâu đài và đặt tên là Hoàng Hạc lâu (lầu Hoàng Hạc). Truyền thuyết huyền thoại ấy đã đưa người nghe về với miền cổ tích xa xăm, Thôi Hiệu cảm hứng đề thơ lên tường: “Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ/ Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu” (Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi/ Nơi đây chỉ còn lại lầu Hoàng Hạc).

Theo truyền thuyết, hạc là loài chim mang nét đẹp thanh nhã, sống từ 30 đến 60 năm, có tuổi thọ dài nhất đối với các loài lông vũ trên mặt đất, thường được người phương Đông sử dụng làm biểu tượng cho điềm lành, sự cao quý, đặc biệt là biểu tượng của sự trường thọ. Chuyện ấy bắt nguồn từ xa xưa, dưới thời hoàng đế Phục Hy (Trung Hoa). Mỗi tư thế của hạc đều mang một ý nghĩa nhất định: Nếu hạc bay vút lên trời tượng trưng cho sự phiêu du về với thiên đường, một thế giới tốt đẹp. Nếu hạc thấp thoáng giữa những đám mây, tượng trưng cho tuổi thọ, sự uyên bác, sáng suốt và cuộc sống vương giả, còn hàm ý chủ nhân đang vươn tới một vị trí cao trong xã hội, đầy quyền lực.  

Hạc trong thơ Thôi Hiệu không phải hạc trắng, mà “hạc vàng”, tượng trưng nét đẹp thoát tục, thanh cao, là phương tiện mầu nhiệm để đưa con người đến với chân lý vi diệu của đạo pháp, với lý tưởng ước mơ vào thế giới vĩnh hằng, đối lập với cuộc đời ngắn ngủi phù du tạm bợ nơi trần thế. Nhưng tất cả đó chỉ là quá khứ lung linh, trong ký ức hướng về chốn cao siêu của người ở lại. Ở đây, hình tượng hạc với người tiên làm phong cốt cho thơ mang tư tưởng triết học Đạo giáo. Người xưa đã cưỡi hạc một đi không trở lại. Hiện hữu là ngôi lầu trống trơ giữa muôn trùng vũ trụ, chỉ thấy mây trắng trôi đã có tự ngàn năm. (Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản/ Bạch vân thiên tải không du du). Mây trắng biểu tượng sự tinh khiết, cảm hứng thư thái, tịnh yên, gợi cho người suy tư, trầm mặc, hướng về thiền định. Hạc và mây gợi ý tưởng ly biệt, hạc mãi bay đi bỏ mây ở lại, lơ lửng ảo huyền giữa trời thăm thẳm.

Từ thế giới siêu thoát, ý thơ đưa người đọc về với hiện hữu sự sống cõi đời, sự tồn tại của sông nước, cây cỏ xanh tươi: “Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ/ Phương thảo thê thê Anh Vũ châu”. Cỏ xanh vốn là hình ảnh cổ mẫu, dấu hiệu biệt ly. Xuất phát từ bài nhạc phủ Trung Hoa, Chiêu ẩn sĩ trong Sở từ có viết “khi chàng đi chơi xa chưa về, trời đã sang xuân cỏ thơm mơn mởn và xanh ngát …” (Vương tôn du hề bất quy, xuân thảo sinh hề thê thê). Sắc màu cảnh xuân tươi mát, nhưng trớ trêu, đặt không đúng chỗ, cỏ xanh biểu tượng mùa xuân vui tươi hạnh phúc, nhà thơ lại gợi nhớ đến sự chia ly. Cỏ thơm xanh tốt (phương thảo thê thê) ở bãi Anh Vũ là một hình ảnh ước lệ. Từ cảnh tượng sinh động trước mắt đó, nhà thơ lại đưa người đọc về với cảm quan sương khói mịt mờ trên sông, gợi nỗi buồn nhớ quê: “Nhật mộ hương quan hà xứ thị?/ Yên ba giang thượng sử nhân sầu”. Dòng sông, thi liệu quen thuộc về sự chảy trôi vô tận của thời gian, đối lập với nhân sinh ngắn ngủi. Vô tình hay cố ý, tác giả dẫn giải cho chúng ta thấy nguyên lý âm dương tạo hóa vô hình… Sáng sủa tươi tốt của cỏ cây biểu tượng cho “dương” tính; hoàng hôn, mặt trời tắt, biểu tượng cho “âm”, đó là định luật vô thường của thiên nhiên tạo hóa. Hoàng Hạc lâu là bài thơ vịnh cảnh đặc sắc, man mác hương vị Thiền, hướng về ý thức gia tộc, sâu đậm tình quê.

Nói đến đây, tôi hỏi, sao cháu không ghi chép, nghe thế có nhớ được gì không? Nó im lặng, mở ví lấy ra chiếc máy ghi âm: Ở hết trong này. Con nhỏ thật đáo để!

Tham khảo: Kim Thánh Thán – Trần Trọng San dịch, Kim Thánh Thán phê bình thơ Đường, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh – 1990; Nguyễn Khắc Phi, Trần Đình Sử, Về thi pháp thơ Đường, NXB Đà Nẵng – 1997; Bách khoa toàn thư mở, wikipedia.org.

VÕ NGUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Truyền thông đa phương tiện: Ngành cho người đam mê sáng tạo
Ngành truyền thông đa phương tiện là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong sáng tạo, thiết kế những sản phẩm mỹ thuật mang tính ứng dụng trong các lĩnh vực truyền thông, quảng cáo, giáo dục và giải trí... Đây là 1 trong 30 chuyên ngành đào tạo được Trường Đại học Phan Thiết tuyển sinh trong năm 2022.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thi liệu ước lệ