Trong đó, Làng nghề bánh tráng Phú Long (được UBND tỉnh công nhận từ năm 2003) với hàng chục hộ tham gia sản xuất và tạo việc làm thường xuyên cho hơn 150 lao động. Thời gian qua, UBND huyện Hàm Thuận Bắc cũng quan tâm chỉ đạo phòng chức năng của địa phương phối hợp Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Bình Thuận theo dõi, đôn đốc để làng nghề này sớm được cấp Giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Bánh tráng Phú Long”. Qua đó giúp làng nghề có điều kiện phát triển nhanh và bền vững, nhất là nâng chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ trong thời gian tới... Ngoài Làng nghề bánh tráng Phú Long, hiện trên địa bàn thị trấn còn có làng trồng rau sạch thu hút 60 hộ tham gia với tổng diện tích khoảng 13 ha, chủ yếu thuộc địa bàn khu phố Phú Cường và Phú Trường. Bên cạnh đó địa phương cũng ghi nhận một số hộ sản xuất bánh hỏi có công suất hàng trăm kg bánh/ngày, hoặc mở quán chuyên phục vụ điểm tâm “bánh hỏi lòng heo” - món ngon nổi tiếng của Phú Long.
Mới đây vào đầu tháng 6/2024, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch (trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã phối hợp tổ chức khảo sát, xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch làng nghề và ẩm thực tại Bình Thuận. Trong đó có dành thời gian tìm hiểu về làng nghề bánh tráng, lò sản xuất bánh hỏi, làng trồng rau và thưởng thức món bánh hỏi lòng heo tại thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc. Trên cơ sở đó nhận xét, đánh giá tiềm năng để thiết kế xây dựng các tour du lịch ẩm thực gắn với giới thiệu hình ảnh điểm đến, làng nghề nhằm đem lại trải nghiệm độc đáo để thu hút du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Bình Thuận.
Tham gia khảo sát cùng đoàn, ông Phan Văn Thành - giảng viên Trường Cao đẳng nghề du lịch Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh) cho biết rất ấn tượng với quy trình sản xuất của làng nghề nơi đây. Đặc biệt với nghề sản xuất bánh hỏi thì đây xem là sản phẩm du lịch tiềm năng, có thể đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách sau khi thưởng thức món bánh hỏi Phú Long (gồm bánh hỏi, lòng - dồi heo nóng hổi ăn kèm các loại rau vị tươi xanh trồng tại địa phương với nước chấm đặc trưng…). Tuy nhiên nếu xác định là sản phẩm du lịch thì cần có thêm hướng dẫn viên giới thiệu quy trình chế biến công phu để làm ra sản phẩm tuyệt vời, từ đó góp phần tăng cường trải nghiệm cho du khách cũng như quảng bá hiệu quả về các làng nghề địa phương.
Còn ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty Du lịch Sao Mai (Bình Thuận) cũng đã có ý tưởng xây dựng tour phục vụ du khách sau khi tham gia khảo sát tại thị trấn Phú Long. Ông cho rằng phù hợp nhất là với thời lượng khoảng 3 tiếng đồng hồ theo lộ trình đưa khách tham quan Tháp Pô Sah Inư, làng nghề nước mắm (TP. Phan Thiết), làng nghề ở Phú Long kết hợp tham quan nhà cổ tại Hàm Thắng (huyện Hàm Thuận Bắc). Dù vậy để gắn kết phục vụ phát triển du lịch từ làng nghề thì các hộ tham gia sản xuất cần quan tâm đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động, có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có nơi trưng bày sản phẩm để phục vụ mua sắm làm quà biếu, tặng của du khách khi đến tham quan…