Theo dõi trên

Thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS): Trục trặc nhiều, hỗ trợ ít

20/10/2022, 05:26

Đó là tình trạng xảy ra khá phổ biến thời gian gần đây, khiến nhiều ngư dân trong tỉnh bức xúc. Tình trạng mất kết nối khi tàu cá đang hoạt động trên biển không chỉ gây khó cho ngư dân, mà còn ảnh hưởng đến công tác quản lý tàu cá. Ngoài những nguyên nhân chủ quan, tình trạng này do sự chậm trễ trong việc khắc phục, sửa chữa thiết bị VMS của các đơn vị lắp đặt và cung ứng.

“Đem con bỏ chợ”

Hơn 2 tháng nay, nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh liên tục phản ánh thiết bị VMS bị mất kết nối, hoạt động không ổn định nên không thể truyền tín hiệu về Trung tâm Dữ liệu giám sát tàu cá. Ông Võ Văn Hải, ngụ phường Phú Hài, TP. Phan Thiết cho biết, ông ký kết hợp đồng lắp thiết bị VMS với giá 18 triệu đồng và đóng thuê bao gần 400.000 đồng/tháng. Nhưng từ khi lắp đặt đến nay, ông ít khi kiểm tra thiết bị vì đa phần chỉ hoạt động tuyến lộng. Cứ hết hạn thuê bao, công ty gọi nhắc ông đóng tiền kích hoạt, chứ không thông báo cũng như kiểm tra tình trạng thiết bị. “Vào đầu tháng 10/2022, tôi dự định vươn khơi, thì lực lượng kiểm ngư mới thông báo VMS tàu cá của tôi bị hỏng, phải sửa chữa rồi mới được ra khơi, trong khi nhu yếu phẩm đã sẵn sàng dưới hầm. Tôi liền liên hệ đại lý tại TP. Phan Thiết, thì họ bảo chỉ là đơn vị lắp đặt, không sửa chữa. Tôi gọi cho tổng công ty, thì họ gọi video hướng dẫn qua loa rồi bảo tôi tự đem ra ngoài sửa. Cơ quan chức năng cần phải can thiệp và có chế tài đối với những công ty lắp thiết bị VMS nếu họ không có chế độ bảo hành, sửa chữa như thỏa thuận ban đầu. Ngư dân không rành chữ nghĩa, các công ty chỉ biết thu tiền kiểu này thì chúng tôi không đóng phí dịch vụ nữa”.

trung-tam-giam-sat-tau-ca-anh-n.lan-.jpg
Trung tâm giám sát tàu cá tỉnh

Trường hợp như ông Hải không phải là hiếm, khi chế độ hậu mãi, bảo hành của các công ty cung cấp thiết bị VMS chưa được quan tâm, sửa chữa kịp thời, làm nhiều chuyến biển của ngư dân không thể chủ động ra khơi. Chưa hết, một số nhà mạng khi kích hoạt lại dịch vụ đã thu phí quá cao gây khó cho chủ tàu. Trong đó, Công ty L Trần thu 800.000 đồng/lần kích hoạt, Công ty Bình Anh thu 820.000 đồng/lần. Ngoài ra, các nhà mạng còn tự ý nâng phí thuê bao cao hơn mức đã thỏa thuận. Có công ty lại buộc chủ tàu đóng đủ phí thuê bao năm 2021 nếu muốn kích hoạt lại VMS từ năm nay, trong khi năm 2021, nhiều tàu cá nằm bờ nhiều tháng liền do dịch Covid-19.

trung-tam-giam-sat-tau-ca-anh-nl-4-.jpg
Thiết bị VMS gắn trên tàu cá là công cụ để cơ quan chức năng kiểm soát hoạt động của tàu cá
trung-tam-giam-sat-tau-ca-anh-nl-3-.jpg
Hạn chế tình trạng các tàu cá xâm phạm lãnh hải nước ngoài

Không đóng phí dịch vụ

Chính vì chưa có tiếng nói chung giữa ngư dân và nhà cung cấp dịch vụ, nên những tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có hơn 700 tàu cá bị mất kết nối VMS vì ngư dân bức xúc không đóng phí dịch vụ. Theo Chi cục Thủy sản, tình trạng tàu cá mất kết nối VMS trên hệ thống giám sát tàu cá tỉnh diễn ra khá phổ biến, trong đó có 141 tàu cá mất kết nối trên 6 tháng. Với những trường hợp này, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với các đơn vị cung cấp thiết bị VMS để xác định nguyên nhân. Theo đó, kết quả xác minh sơ bộ cho thấy nguyên nhân tàu cá mất kết nối chủ yếu do chủ tàu không đóng phí dịch vụ (138 tàu), không mở máy (2 tàu), khóa phí dịch vụ (1 tàu), thiết bị lỗi đang bảo hành (2 tàu). Trong đó, hãng thiết bị L Trần 62 tàu (không đóng phí dịch vụ), Bình Anh 48 tàu (không đóng phí dịch vụ), Vishipel 16 tàu (không sử dụng dịch vụ 14 chiếc, không mở máy 2 chiếc), Viettel 5 tàu (không đóng phí dịch vụ 2 tàu, thiết bị lỗi đang bảo hành 2 tàu, 1 thiết bị mất cắp 1 tàu), Định vị Bách khoa 4 tàu (không đóng phí dịch vụ), VNPT 6 tàu (tàu cá nằm bờ 1 tàu, tạm ngưng dịch vụ 2 tàu, nợ cước hệ thống tự ngưng dịch vụ 1 tàu, thiết bị lỗi kỹ thuật 2 tàu).

z3793115234524_29ea7811f9ffd44149f23e60fcb55dab.jpg
Sở cũng đề nghị xem xét quy định thống nhất mức phí dịch vụ đối với các nhà mạng.

Theo một số nhà mạng, khi hết cước phí thuê bao hàng tháng, các nhà mạng đã thông báo cho các chủ tàu biết. Tuy nhiên, thời gian qua giá nhiên liệu tăng cao, hoạt động khai thác không mang lại hiệu quả, thậm chí thua lỗ nên phần lớn thời gian tàu cá nằm bờ, nên các chủ tàu cá không đóng phí cước thuê bao.

Thiết bị VMS gắn trên tàu cá là công cụ để cơ quan chức năng kiểm soát hoạt động của tàu cá, nhằm hạn chế tình trạng các tàu cá xâm phạm lãnh hải nước ngoài. Luật Thủy sản năm 2017 quy định, tất cả tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên bắt buộc phải lắp đặt, bật tín hiệu máy VMS 24/24 giờ khi khai thác ở các vùng biển xa, tự động báo cáo vị trí tần suất 2 - 3 giờ/lần về Trung tâm Dữ liệu giám sát tàu cá. Nếu thiết bị VMS bị mất tín hiệu quá 10 ngày, chủ tàu sẽ bị xem xét xử lý và bị phạt tiền từ 300 - 500 triệu đồng đối với tàu có chiều dài từ 24m trở lên, 20 - 30 triệu đồng đối với tàu có chiều từ 15 - 24m. Theo Chi cục Thủy sản, việc đơn vị cung ứng và lắp đặt thiết bị VMS chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc hỗ trợ kỹ thuật, chậm khắc phục, sửa chữa những hư hỏng, trục trặc không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác thủy sản của ngư dân, mà còn gây khó khăn cho công tác quản lý hoạt động tàu cá của các lực lượng chức năng.

Để khắc phục những bất cập liên quan đến VMS, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã kiến nghị Tổng cục Thủy sản làm việc với các nhà mạng để hạ mức phí kích hoạt lại dịch vụ. Các đơn vị cung cấp thiết bị VMS phải phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thủy sản tỉnh để xác định nguyên nhân mất kết nối, cũng như hỗ trợ ngư dân khắc phục kịp thời những hư hỏng. Rà soát, đánh giá việc thực hiện trách nhiệm của các đơn vị cung cấp trong việc lắp đặt và bảo dưỡng thiết bị VMS của ngư dân trên địa bàn tỉnh. Sở cũng đề nghị xem xét quy định thống nhất mức phí dịch vụ đối với các nhà mạng.

MINH VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá chậm, do đâu?
 BT- Theo kế hoạch, đến 1/4/2020, 1.834 tàu cá thuộc đối tượng phải lắp thiết bị giám sát hành trình của Bình Thuận phải hoàn thành việc lắp đặt. Tuy nhiên, đến thời điểm này chỉ có vài trăm chiếc thực hiện công tác này, nguyên nhân do đâu?
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS): Trục trặc nhiều, hỗ trợ ít