Theo dõi trên

Hỗ trợ kinh phí lắp thiết bị giám sát hành trình: “Phao cứu sinh” của ngư dân

10/06/2022, 05:38

Những ngày đầu tháng 6 giữa những thông tin không vui như giá xăng dầu lại lập đỉnh mới, cao chưa từng có, thì ngư dân có vẻ phấn khởi hơn, an ủi phần nào khi hay tin HĐND tỉnh vừa thông qua Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ chi phí mua, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) trên địa bàn tỉnh. Sự hỗ trợ này sẽ là “phao cứu sinh” cho ngư dân nỗ lực bám biển và thực hiện tốt các quy định về chống khai thác IUU.

Trễ hẹn hơn 2 năm

Theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và Nghị định 26/2019/NĐ-CP Chính phủ, tất cả các tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên phải lắp đặt thiết bị VMS trước ngày 1/4/2020. Đây là điều kiện để thực hiện việc đăng kiểm, đăng ký và cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá. Tuy nhiên, đã quá thời hạn hơn 2 năm, nhưng tỷ lệ lắp thiết bị VMS ở Bình Thuận vẫn chưa đạt 100%, dù nằm trong danh sách là 1 trong những tỉnh có tỷ lệ lắp thiết bị giám sát cao nhất nước. Không riêng gì Bình Thuận, ngư dân ở những tỉnh, thành khác cũng rơi vào khó khăn tương tự khi 2 năm dịch vừa qua, giữ được tàu đã là điều may mắn, huống chi nói đến việc lắp VMS để vươn khơi.

trung-tam-giam-sat-tau-ca-anh-n.lan-.jpg
Trung tâm giám sát tàu cá tỉnh. Ảnh: N.Lân

Những năm gần đây, khai thác thủy sản trên biển tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguồn lợi thủy sản suy giảm, giá trị khai thác thấp. Chưa kể, nghề khai thác thủy sản liên tiếp mất mùa, ngư dân gặp rất nhiều khó khăn. Riêng 2 năm ảnh hưởng dịch Covid - 19 vừa qua có tác động lớn đến mọi mặt đời sống xã hội, ngư dân phải hạn chế ra khơi và khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm khai thác. Do đó, ngư dân lo cái ăn đã khó, nên chưa nghĩ đến việc lắp đặt thiết bị VMS, dù đây là điều kiện bắt buộc. Vì ngoài tiền mua thiết bị từ 18 - 25 triệu đồng/máy, chủ tàu còn phải trả phí thuê bao hàng tháng từ 340.000 - 385.000 đồng/máy (tùy thuộc loại thiết bị). Đó là một số tiền không hề nhỏ trong lúc biển giả không còn cảnh “đánh đâu trúng đó”. Vì thế, ít nhiều ảnh hưởng đến lộ trình thực hiện lắp đặt thiết bị VMS và triển khai kế hoạch giám sát tàu cá trên địa bàn tỉnh.

da-so-tau-ca-o-la-gi-duoc-lap-dat-thiet-bi-giam-sat-hanh-trinh-anh-nl-2-.jpg
Tàu có chiều dài trên 15m buộc phải lắp thiết bị VMS (ảnh: N. Lân)
thiet-bi-giam-sat-hanh-trinh-duoc-lap-tren-tau-ca-o-la-gi-anh-nl-.jpg
Thiết bị VMS (ảnh: N. Lân)

Hiện nay, nhiều địa phương ven biển trong cả nước (10 tỉnh, thành phố) đã ban hành và thực hiện chế độ hỗ trợ ngư dân về thiết bị VMS như: TP. Đà Nẵng hỗ trợ 100% chi phí mua thiết bị VMS và chi phí thuê bao năm đầu tiên tính từ thời điểm kết nối; Bình Định, Nam Định hỗ trợ 50% chi phí mua sắm, lắp đặt thiết bị VMS; Hà Tĩnh, Thái Bình hỗ trợ 70% chi phí mua sắm, lắp đặt thiết bị VMS; Nghệ An hỗ trợ 50% chi phí mua sắm, lắp đặt thiết bị VMS và 50% chi phí thuê bao hàng tháng; Phú Yên hỗ trợ phí thuê bao 30 tháng; Hải Phòng, Thanh Hóa hỗ trợ 50% chi phí mua thiết bị VMS và chi phí thuê bao hàng tháng trong 3 năm; Cà Mau hỗ trợ chi phí thuê bao 60 tháng. Ngoài ra, nhiều tỉnh như Khánh Hòa, Quảng Nam… cũng đang xây dựng chế độ hỗ trợ lắp đặt thiết bị VMS cho ngư dân.

Hỗ trợ 10 triệu đồng/máy

Tại Bình Thuận, kỳ họp lần thứ 7, HĐND tỉnh khóa XI vừa qua đã thống nhất ban hành Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ chi phí mua, lắp đặt thiết bị VMS trên địa bàn tỉnh. Theo đó, hỗ trợ 10 triệu đồng cho mỗi tàu cá mua, lắp đặt thiết bị VMS. Điều kiện được hỗ trợ là tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên đăng ký tại Bình Thuận, có đầy đủ các loại giấy tờ phù hợp; là thành viên tổ đội hoặc nghiệp đoàn nghề cá hoặc hợp tác xã khai thác thủy sản; không vi phạm về khai thác IUU… Thông tin này khiến nhiều ngư dân cảm thấy ấm lòng giữa “bão” xăng dầu đang tăng cao chưa có điểm dừng. Ngư dân Phan Văn Tình (khu phố 3 – Phú Hài) chia sẻ: “Là 1 trong những ngư dân của Tp. Phan Thiết tiên phong lắp thiết bị VMS vì tàu của tôi đánh bắt xa bờ vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Kinh phí lắp đặt ban đầu khá cao, nhưng theo quy định tôi phải chấp hành. Nay biết thông tin mỗi tàu đã lắp VMS sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng tôi rất phấn khởi, vì chúng tôi có thêm phần kinh phí cho mỗi chuyến biển và mạnh dạn vươn khơi trong lúc giá xăng dầu và giá hải sản không như mong muốn”.

Việc hỗ trợ chi phí mua, lắp đặt thiết bị VMS sẽ là “phao cứu sinh” giúp ngư dân nỗ lực vươn khơi bám biển trong điều kiện khó khăn như hiện nay. Hy vọng, chậm nhất đến cuối năm nay, Bình Thuận sẽ nằm trong danh sách các tỉnh, thành đã hoàn thành việc lắp thiết bị VMS. Qua đó, sẽ giúp công tác quản lý nghề cá được thuận lợi, tạo điều kiện kiểm tra, truy xuất nguồn gốc hải sản dễ dàng. Ngoài ra, còn góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn nạn khai thác hải sản bất hợp pháp, giữ gìn an ninh trật tự trên biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đây cũng là một trong những yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) nhằm gỡ “thẻ vàng” cho Việt Nam về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp.

Hiện nay, tỉnh Bình Thuận có hơn 1.900 tàu cá chiều dài từ 15m trở lên thuộc diện phải lắp đặt thiết bị VMS. Tính đến ngày 9/5/2022, có 1.877 tàu cá/1.908 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đang hoạt động đã lắp đặt thiết bị VMS đạt 98,4%.

MINH VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Lắp thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá ở La Gi có kịp về đích?
BTO- Với mục tiêu gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu, tất cả các tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đều phải gắn thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, nhiều tàu cá La Gi có kích thước như thế, hiện vẫn chưa được lắp đặt thiết bị này.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hỗ trợ kinh phí lắp thiết bị giám sát hành trình: “Phao cứu sinh” của ngư dân