Theo tìm hiểu, hiện nay trên địa bàn huyện có 4 khu vực ven biển bị xâm thực mạnh, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho nhân dân, trong đó ưu tiên việc xây kè bảo vệ bờ biển lâu dài, nên đã kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư xây dựng các dự án từ nguồn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nguồn vốn phân bổ hạn chế, nên hầu hết các dự án kè chưa được đẩy nhanh thi công.
Trong đó, công trình kè bảo vệ bờ biển xã Bình Thạnh được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư vào năm 2009 với chiều dài 995 m và đã được triển khai thi công giai đoạn 1 dài 512 m. Công trình thi công hoàn thành đã phát huy hiệu quả, giảm nguy cơ sạt lở, xâm thực của biển vào đất liền, nhân dân an tâm sinh sống. Tuy nhiên do nguồn vốn hạn chế, nên chưa thực hiện giai đoạn 2 dài 483 m đang bị xâm thực mạnh, có nguy cơ phải di dời toàn bộ dân cư khu vực này. Do đó, xác định đây là công trình cấp bách và cần thiết, ngày 3/10/2022, UBND tỉnh có chủ trương về thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án, giao sở, ngành liên quan làm việc các bộ, ngành Trung ương để xin vốn hỗ trợ. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được bố trí vốn. Do tính cấp bách của dự án, UBND huyện đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư dự án từ nguồn ngân sách tỉnh. Theo đó, quy mô tuyến kè có chiều dài 483 m và các hạng mục phụ trợ khác với tổng mức đầu tư khoảng 40 tỷ đồng. Thời gian thực hiện 3 năm trong giai đoạn 2023 – 2025.
Khu vực xóm 1B xã Phước Thể cũng rơi vào trường hợp tương tự. Từ năm 2013 đến nay, khu vực này liên tiếp xảy ra các đợt sóng to, gió lớn kết hợp với thủy triều dâng cao đã làm sạt lở bờ biển với chiều dài hơn 800 m, xói sâu vào đất liền gần 20 m, làm sập nhiều căn nhà và đang tiếp tục đe dọa đến sự ổn định người dân đang sinh sống nơi đây. Trước tình trạng xâm thực, địa phương đã nhiều lần huy động lực lượng dân quân tự vệ, Đoàn thanh niên giúp đỡ các hộ dân đóng cọc cừ và xếp bao cát làm kè tạm chống sạt lở; di dời các hộ dân ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp do biển xâm thực đến các vị trí an toàn. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp xử lý tạm thời, do đó việc người dân mong muốn ngành chức năng bố trí vốn để đầu tư xây dựng tuyến kè bảo vệ bờ biển nơi đây là chính đáng. Vì vậy, UBND huyện đã kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư xây dựng dự án từ nguồn ngân sách nhà nước quy mô kè dài 800 m, tổng mức đầu tư khoảng 65 tỷ đồng.
Song song đó, kè bảo vệ bờ biển xã Vĩnh Hảo (giai đoạn 2) cũng rơi vào tình trạng “đói vốn”. Được phê duyệt dự án từ năm 2010, với tổng chiều dài tuyến là 900 m; tuy nhiên dự án không bố trí được nguồn vốn, mãi đến năm 2014, UBND tỉnh và Trung ương mới rót vốn để xây dựng đoạn kè với chiều dài 281 m. Công trình thi công hoàn thành vào năm 2015 trong sự vui mừng của bà con nơi đây. Tuy nhiên 619 m còn lại chưa được đầu tư xây dựng, khu vực này tiếp tục sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của các hộ dân. Do đó, để bảo vệ an toàn tính mạng, nhà cửa của nhân dân, UBND huyện Tuy Phong tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh bố trí vốn để thực hiện xây dựng kè giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư hơn 49 tỷ đồng.
Một dự án tiếp theo là công trình Kè chống xói lở bờ sông khu dân cư Phan Rí Cửa cũng chỉ thực hiện được giai đoạn 1. Công trình được khởi công xây dựng hoàn thành tuyến kè C1 dài 304 m và tuyến kè C2 dài 552 m đưa vào sử dụng năm 2014 đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên do nguồn vốn khó khăn, dự án còn đoạn kè C3 dài 928 m từ cầu Sông Lũy lên cầu Sông Đồng (QL1A) chưa được đầu tư, tiếp tục sạt lở ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của các hộ dân. Nhằm chống xói lở bờ sông, đảm bảo an toàn cho dân cư thị trấn Phan Rí Cửa, cũng như tạo cảnh quan môi trường dân sinh khu vực này, UBND huyện đề nghị tiếp tục đầu tư xây dựng giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 55 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước.
Đây là những công trình bức xúc, cần ưu tiên thực hiện vì ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản, tính mạng của người dân. Hy vọng, những tuyến kè sẽ tiếp tục được nối tiếp khi vốn sớm được rót về, để người dân ven biển không còn phải thấp thỏm mỗi đêm khi mùa mưa bão về.