Xúc động không chỉ là sự hòa hợp giữa thơ và nhạc mà xúc động vì lẽ, anh Cao Hoàng Trầm ý thức rất cao về những sáng tác của mình cũng như các nhạc sĩ đã phổ nhạc thơ của anh.
Có thể nói tập thơ phổ nhạc Sắc màu thời gian nói về mặt hình thức thì nó là một tập sách đẹp, hoành tráng từ khuôn khổ đến nghệ thuật trình bày do N.X.B Văn hóa Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh xuất bản. Thêm một niềm vui khác, bạn văn, bạn thơ, họa sĩ Lương Minh Vũ gần như là người duy nhất trình bày bìa mọi ấn phẩm cho các xuất bản phẩm của các bạn văn, bạn thơ của vùng đất La Gi, vùng đất rất thịnh phát về văn hóa văn nghệ.
Với Sắc màu thời gian tôi rung lên trong điệu nhạc qua những ca từ của Cao Hoàng Trầm:
… Bao người đã đi xa
Cho đất nước nở hoa
Bốn ngàn năm hội tụ
Huyền thoại khúc hòa ca…
Các nhạc sĩ Bùi Tuấn Anh, Thanh Chương, Ngọc Mỹ, Xuân Mai phổ thơ Cao Hoàng Trầm đã làm nên một cuốn sách đẹp có sự cẩn trọng của tác giả ca từ khiến bất cứ ai khi cầm trên tay cuốn sách này cũng phải tấm tắc khen ngợi.
Sự gặp gỡ giữa nhạc sĩ và nhà thơ trong Sắc màu thời gian đậm nét nhất là những bài thơ lục bát hoặc thơ năm chữ:
… Thời gian quánh đọng trong tim
Bồi hồi nỗi nhớ cánh chim miệt mài
Nghĩ người sương gió hôm mai
Bao nhiêu kỷ niệm thương hoài ngàn năm…
Nói đến chuyện thơ được phổ nhạc tôi lại nghĩ đến nhà thơ Tạ Hữu Yên khi về Bình Thuận cùng với chúng tôi ở Hội Văn nghệ làm tập sách Đất này nhân nghĩa ở Z30 Đ, ông có tâm sự với tôi, nói về thơ phổ nhạc ở Việt Nam này thì ông có đến trên 100 bài thơ được phổ nhạc…
Vâng! Đó là một sự thật; và một sự thật khác, ở Bình Thuận này, bạn thơ Cao Hoàng Trầm là người có thơ phổ nhạc nhiều nhất, minh chứng là tập nhạc phổ từ thơ của Cao Hoàng Trầm có tựa đề Sắc màu thời gian vừa được N.X.B Văn hóa Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh xuất bản.
Có lẽ thế chăng mà ở bìa 4 của tập sách này ông có ghi đậm câu thơ:
Vẫn xưa tóc liễu xanh màu
Tình trong vị cũ không nhàu thời gian
Anh về soi bóng trăng vàng
Dệt thành nốt nhạc cung đàn tình yêu.
TrẦn Duy Lý