Theo dõi trên

Thống đốc ngân hàng Israel: Cuộc chiến tại Gaza tốn kém hơn dự tính

10/11/2023, 16:18

Thống đốc Ngân hàng Israel Amir Yaron cho biết cuộc chiến với Hamas là một “cú sốc lớn” với nền kinh tế nước này khi đang tỏ ra tốn kém hơn so với ước tính ban đầu.

Theo nhận định của tờ Thời báo Tehran (Iran) ngày 9/11, hơn 1 tháng kể từ khi xung đột với Hamas nổ ra, các công ty Israel đang chịu những hậu quả nặng nề do cuộc giao tranh ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của họ, với hàng trăm doanh nghiệp bên bờ vực phá sản.

israe-thx.jpg
Việc huy động lớn lực lượng tham gia chiến dịch ở Gaza ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Israel.

Bộ Lao động Israel cho biết khoảng 765.000 người Israel, chiếm 18% lực lượng lao động - không làm việc sau khi được huy động làm lực lượng dự bị để sẵn sàng tham gia chiến đấu chống Hamas ở Dải Gaza. Chi phí ban đầu của cuộc chiến tranh Gaza đối với Israel lên tới hơn 50 tỷ USD, khoảng 10% GDP của Nhà nước Do Thái.

Tờ Financial Times (Anh) cũng đưa tin, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tác động tàn phá của xung đột đối với hoạt động kinh tế của Israel. Tuần trước, các biện pháp tài chính do Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng tài chính Bezalel Smotrich công bố đã bị chỉ trích từ giới kinh doanh.

Trong nỗ lực xoa dịu nỗi lo kinh tế đang gia tăng, Nội các chiến tranh Israel (được thành lập sau khi Hamas tấn công vào miền Nam Israel) đã công bố các điều khoản mới. Tuy nhiên, một nhóm gồm 300 nhà kinh tế hàng đầu của Israel đã kêu gọi ông Netanyahu và Smotrich "hãy tỉnh táo lại".

Họ viết trong một bức thư ngỏ: “Áp lực kinh tế nặng nề mà Israel phải gánh chịu đòi hỏi phải có sự thay đổi cơ bản trong các ưu tiên quốc gia và tái phân bổ nguồn vốn lớn để giải quyết thiệt hại chiến tranh, viện trợ cho các nạn nhân và phục hồi nền kinh tế”.

Tờ Financial Times dẫn lời Eugene Kandel, Chủ tịch Viện Chính sách Quốc gia Khởi nghiệp, một tổ chức tư vấn và là một trong những người ký lá thư của các nhà kinh tế, nói rằng Chính phủ Israel "vẫn chưa cho thấy họ hiểu được tình huống khủng hoảng".

Các chuyên gia kinh tế bày tỏ lo ngại sâu sắc rằng các gói tài chính mà ông Netanyahu hứa dành cho các công ty có nguy cơ phá sản cao sẽ không đủ nếu triển vọng kinh tế của Israel tiếp tục xấu đi. Một số người khác cho rằng gói hỗ trợ nên đi kèm với việc xem xét lại toàn bộ các ưu tiên chi tiêu của chính phủ.

Theo tạp chí Chính sách đối ngoại Mỹ (Foreign Policy), nền kinh tế thời chiến của Israel không thể tồn tại mãi mãi và có thể sẽ sớm hướng tới một cuộc suy thoái, với việc chính quyền huy động quân sự ồ ạt dẫn đến căng thẳng kinh tế nghiêm trọng.

Đứng đầu danh sách các lĩnh vực sẽ gánh chịu hậu quả của cuộc chiến kéo dài ở Dải Gaza bao gồm dầu khí, du lịch, chăm sóc sức khỏe, bán lẻ và công nghệ cùng nhiều lĩnh vực khác.

Nền kinh tế Israel được cho là đã đổ vào cuộc chiến với Hamas khoảng 200 tỷ USD dự trữ và 14 tỷ USD viện trợ quân sự từ Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cuộc chiến đang diễn ra ở Gaza sẽ khiến nền kinh tế Israel thiệt hại thêm hàng tỷ USD và mất nhiều thời gian hơn để phục hồi so với trước đây.

Các cơ quan xếp hạng tín dụng toàn cầu như Fitch Ratings, S&P cũng như Moody's Investor Services đã cảnh báo rằng chiến tranh leo thang hơn nữa sẽ dẫn đến việc hạ xếp hạng nợ công của Israel này.

S&P đã hạ triển vọng tín dụng của Israel xuống mức tiêu cực, với lý do rủi ro cuộc chiến ở Gaza ngày càng mở rộng và ảnh hưởng rõ rệt hơn đến nền kinh tế. Cơ quan xếp hạng tín dụng này chỉ ra rằng "triển vọng tiêu cực phản ánh nguy cơ chiến tranh có thể lan rộng hơn hoặc ảnh hưởng đến các chỉ số tín dụng của Israel tiêu cực hơn chúng tôi mong đợi".

Một nhà kinh tế nói với Foreign Policy rằng chi phí của hai cuộc chiến trước đó - cuộc chiến của Israel ở Liban vào mùa hè năm 2006 và tấn công Dải Gaza năm 2014 - tiêu tốn tới 0,5% GDP và chủ yếu ảnh hưởng đến ngành du lịch. Nhưng lần này, ước tính mức giảm GDP có thể lên tới "15% tính theo năm" trong quý cuối cùng của năm nay.

Việc hủy một số chuyến bay đến Israel và Gaza cũng sẽ gây thiệt hại thêm cho nền kinh tế Israel, trước hết là ngành du lịch mà nước này phụ thuộc rất nhiều. Hơn 30 ngày kể từ khi cuộc xung đột với Hamas nổ ra, hàng trăm nghìn người Israel đã phải di dời hoặc chạy trốn khỏi các khu định cư gần Dải Gaza và tất cả các dấu hiệu cho thấy họ sẽ không quay trở lại.

Theo Bộ Du lịch Israel, các phòng khách sạn gần như kín chỗ, không phải bởi khách du lịch nước ngoài mà thay vào đó là những người Israel đang tìm nơi trú ẩn và lên kế hoạch rời khỏi vùng chiến sự. Mối lo ngại chính của họ là không còn sự an toàn nữa khi cuộc chiến chống Hamas ở Gaza lớn nhất trong lịch sử hiện đại có nguy cơ lan rộng.

H LAN (TỔNG HỢP)


(0) Bình luận
Bài liên quan
Ông Putin nói Nga, Trung Quốc không lập liên minh quân sự
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói Moskva và Bắc Kinh không thành lập bất kỳ liên minh quân sự nào.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thống đốc ngân hàng Israel: Cuộc chiến tại Gaza tốn kém hơn dự tính