Vụ sập Cầu Ghềnh (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) trưa 20/3 đã làm một đoạn đường sắt Bắc – Nam bị hư hỏng, nhiều chuyến tàu phải dừng lại không thể tiếp tục hành trình. Nhà ga phải dùng xe trung chuyển hành khách từ ga Sài Gòn – ga Biên Hòa và ngược lại.
Tai ga Sài Gòn hàng trăm hành khách phải mắc kẹt tại ga, nhiều người buộc phải hủy chuyến. Đối với những hành có nhu cầu đi tiếp nhà ga đã tổ chức xe trung chuyển vận chuyển hành khách từ ga Sài Gòn đến ga Biên Hòa bằng ô tô, sau đó sẽ có tàu từ ga Biên Hòa chở tiếp tục lộ trình đi về phía bắc.
Tại ga Biên Hòa cũng tương tự, sẽ có ô tô vẫn chuyển hành khách từ ga về ga sài Gòn. Theo đại diện chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn, những hành khách có nhu cầu đổi vé lựa chọn phương tiện khác để di chuyển nhà ga sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hành khách khách đổi vé tại khu vực trong quầy nhà ga.
Hàng trăm hành khách phải mắc kẹt tại ga, nhiều người buộc phải hủy chuyến
Đây giải pháp tình thế trước mắt và hữu hiệu nhất để giao thông đường sắt vẫn có thể hoạt động trong khi đợi khắc phục sự cố sập cầu nghiêm trong trên. Trong những ngày tiếp theo, tùy thuộc vào tình hình mà nghành đường sắt sẽ tìm biện pháp ứng phó phù hợp.
Chưa xác định được có người thương vong
Ngay trong chiều cùng ngày sau khi sự cố xảy ra, Bộ GTVT đã gấp rút thành lập Tổ công tác đặc biệt vào Đồng Nai, do thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông làm tổ trưởng. Ngoài ra, tổ công tác còn có thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, Nguyễn Nhật và lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Cục Đường thủy nội địa Việt Nam...
Ông Đặng Minh Trung - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết: sự việc xảy ra do tàu SG 4745 kéo sà lan (SG 5964) chở cát từ hướng cầu Đồng Nai tới cầu Hóa An thì va chạm vào trụ cầu Ghềnh.
Vụ va chạm khiến 2 nhịp cầu Ghềnh gãy sập, ít nhất 3 người rơi xuống cầu, nhưng đã được cứu. Trên nhịp cầu số 3 tại hiện trường có 3 chiếc xe máy ở phần đường dành cho xe máy.
Nguyên nhân ban đầu được là do thuyền trưởng điều khiển sà lan đã vi phạm quy tắc giao thông đường thủy nội địa khi lưu thông qua cầu Ghềnh.
Công tác khắc phục sự cố sập cầu Ghềnh được tiến hành tích cực
Ngay sau khi xảy ra sự việc VNR kịp thời phong tỏa khu gian (khoảng cách giữa 2 ga) và dừng chạy tàu khu gian Biên Hòa - Dĩ An, không để xảy ra thiệt hại về người và phương tiện.
Trung tá Lê Hoàng Ngân - Phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, người dân kể có 2 tài công sau khi sự cố xảy ra đã nhảy xuống sông bơi vào bờ rồi bỏ trốn.
Ông Lê Quang Nhân - Phó giám đốc Sở GTVT Đồng Nai cho biết, sà lan đang trôi 70 m về hướng cầu Đồng Nai. Ở máy kéo sà lan đang có hiện tượng tràn dầu, dễ gây cháy nổ. Trước thông tin này, thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông chỉ đạo cần sớm có biện pháp neo đậu và lai dắt sà lan để không ảnh hưởng đến đường thủy.
Đại tá Trần Triệu Tuấn - Phó giám đốc Cảnh sát PCCC Đồng Nai, thông tin hiện có hơn 100 cán bộ chiến sĩ đang tích cực tham gia khắc phục hậu quả, tìm kiếm cứu nạn nạn nhân có thể mất tích trong vụ sập cầu.
Lữ đoàn công binh 25 thuộc Quân khu 7 cũng đang tiến hành khảo sát hiện trường, chuẩn bị cho phương án dựng cầu tạm, hoặc cầu phà qua sông.
Một lãnh đạo Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực 3 cho biết, phương án xây cầu Ghềnh mới kiên cố cũng đã được tính đến.
Đến tối cùng ngày, lực lượng cứu hộ cho biết chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào trong vụ tai nạn. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết sự cố sập cầu Ghềnh có thể phải mất 3-5 tháng mới có thể khắc phục xong.
Cây cầu hơn 100 tuổi
Cầu Ghềnh là 1 trong 2 cây cầu bắc qua sông Đồng Nai dẫn vào Cù lao Phố, do Pháp xây dựng. Có tài liệu nói rằng cầu được xây dựng vào năm 1909, và được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng thế giới Gustave Eiffel (1832 - 1923, người thiết kế tháp Eiffel), cùng với 2 công trình kiến trúc khác ở Việt Nam là cầu Long Biên (Hà Nội) và cầu Tràng Tiền (Huế).
Cầu Ghềnh có tuổi thọ hơn 100 tuổi do người Pháp xây dựng (Ảnh tư liệu) |
Cầu Ghềnh thuộc Tp. Biên Hòa có độ dài khoảng 223m, dành đi chung cho cả đường bộ và đường sắt với 2 phần bên hông dành cho xe 2 bánh, ở giữa dành cho xe lửa và xe ôtô.
Hệ thống cầu Ghềnh được nâng đỡ bởi ba trụ xây bằng đá rất lớn băng qua một khoảng sông rộng, ba trụ móng này nâng một khối lượng sắt khá lớn. Những nhịp cầu được làm hình vòng cung, gồm có bốn vòng nên người dân quen gọi là cầu bốn nhịp.
Hình dáng của cầu Ghềnh tương đối giống với cầu Trường Tiền (Huế). Điểm đặc biệt nhất của cây cầu này là dù đến nay trải qua hơn 100 năm nhưng cầu Ghềnh vẫn đang là tuyến giao thông đường sắt xuyên Việt.
Khoa Nam/VOV