Theo dõi trên

Thủ tướng làm việc với Bình Thuận: Lãnh đạo các Bộ, Ngành đều ấn tượng với tiềm năng và sự phát triển của Bình Thuận

31/08/2022, 09:47

BTO-Sáng nay 31/8, tiếp tục chương trình công tác tại Bình Thuận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh về thành tựu 30 năm tái lập tỉnh; tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025. Dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.

dsc_1699.jpg
Thủ tướng Chính phủ làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Bình Thuận.

Về phía tỉnh có các đồng chí: Dương Văn An - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Tuấn Phong – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh…

dsc_1697.jpg
Toàn cảnh buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ  với cán bộ chủ chốt tỉnh Bình Thuận.
Ảnh: Đ. Hoà
1.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: Đ. Hoà

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong cho biết: Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực.

Trước hết, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2021 tăng 2,77%; 6 tháng đầu năm 2022 (GRDP) tăng 6,44%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu ngân sách đạt khá, tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2021 đạt 13.503 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2022 thực hiện đạt 5.904 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa (trừ dầu) năm 2021 đạt 10.128 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2022 đạt 5.181 tỷ đồng.

Tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo chỉ đạo của Chính phủ; cải thiện, nâng cao các chỉ số PCI, Par Index, PAPi, SIPAS; chỉ đạo triển khai thực hiện chỉ số giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và cấp huyện (DDCI), từ đó, môi trường đầu tư được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách.

Song  song, các thành phần kinh tế tiếp tục phát triển. Từ năm 2021 đến nay, có 861 doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 12.063,41 tỷ đồng, lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 10.728 doanh nghiệp được thành lập, với tổng nguồn vốn đăng ký 126.944,927 tỷ đồng; có 116 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 3.350,034 triệu USD, các dự án FDI đã xây dựng và đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, một số dự án tiếp tục nâng cấp, mở rộng quy mô đầu tư.

Tỉnh đã tập trung triển khai tích cực các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và xem đây là nhiệm vụ hàng đầu để thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường, đạt kết quả khá toàn diện…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thẳng thắn nhìn nhận, tốc độ và kết quả phát triển của tỉnh trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm lực, lợi thế của tỉnh; việc thu hút các dự án đầu tư vẫn còn hạn chế; việc liên kết chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tiến độ thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án trọng điểm chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra...

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương quan tâm xem xét, chỉ đạo giải quyết một số khó khăn, vướng mắc, đề xuất. Cụ thể, tiếp tục quan tâm hỗ trợ đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối liên vùng (như nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 28, 28B, Quốc lộ 55, đường ĐT.711); xem xét, cho phép tỉnh được lập Đề án thành lập Khu công nghệ cao và Khu kinh tế ven biển.

Đồng  thời xem xét, ban hành các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho điện gió ngoài khơi gắn với Chiến lược biển Việt Nam; xem xét phương án chuyển đổi mạnh mẽ, nâng cao tỷ lệ năng lượng tái tạo, nhất là điện gió ngoài khơi trong Quy hoạch điện VIII; quan tâm chỉ đạo, sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hồ La Ngà 3; Quốc hội, Chính phủ quan tâm đầu tư nâng cấp sân bay Phú Quý phục vụ yêu cầu tìm kiếm, cứu nạn - cứu hộ và tham gia xử lý một số tình huống phát sinh về quốc phòng - an ninh trên biển…

dsc_1700.jpg
Thứ  trưởng Bộ Giao thông Vận tải  Nguyễn Danh Huy phát biểu. Ảnh: Đ. Hòa
dsc_1702.jpg
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát  triển nông thôn phát biểu. Ảnh: Đ. Hòa

Tại buổi làm việc, các Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương phát biểu làm rõ những tiềm năng, thế mạnh; kết quả phát triển kinh tế-xã hội của Bình  Thuận. Đồng  thời, cho ý kiến đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh; đề xuất các giải pháp để Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững. Các bộ, ngành cơ bản nhất trí với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh; sẵn sàng phối hợp với Bình Thuận để xử lý, giải quyết hiệu quả khi được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý, chỉ đạo, quyết định.

Báo Bình Thuận sẽ tiếp tục thông tin về nội dung buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với cán bộ chủ chốt của tỉnh Bình Thuận trong bản tin tiếp theo. 

THU HÀ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh
Tối nay 30/8, tại Hội trường A – Trung tâm Hội nghị tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận (1992 - 2022).
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng làm việc với Bình Thuận: Lãnh đạo các Bộ, Ngành đều ấn tượng với tiềm năng và sự phát triển của Bình Thuận