Đạt kết quả bước đầu
Bình Thuận là tỉnh có phong trào phát triển kinh tế hợp tác xã (HTX) khá sớm. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 203 HTX, với gần 50.000 thành viên. Tổng nguồn vốn hoạt động của các HTX là hơn 3.390 tỷ đồng. Nhìn chung, tình hình phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX cơ bản dần ổn định và có chiều hướng phát triển khả quan hơn, cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực sau đại dịch Covid-19.
Thời gian qua, lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo Liên minh HTX tỉnh cùng các sở, ngành liên quan tư vấn, hỗ trợ khu vực KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, quản trị sản xuất kinh doanh, qua đó thu được một số kết quả nhất định. Các Quỹ Tín dụng (QTD) nhân dân trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong tổ chức hoạt động, cũng như cung ứng dịch vụ tới khách hàng như đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, áp dụng thanh toán điện tử, chuyển tiền điện tử. Đến nay, đã có 21/24 QTD thực hiện, còn 3 QTD chưa thực hiện được là Hàm Thắng, Đa Kai, Võ Xu. Bên cạnh đó, các HTX giao thông vận tải cũng áp dụng chuyển đổi số trong quản lý hành trình, hoạt động phương tiện như: đầu tư thiết bị, sử dụng phần mềm để quản lý hành trình, khách hàng và vận đơn hàng hóa, tích hợp thanh toán tự động không dừng...
Riêng các HTX nông nghiệp, thủy sản đã từng bước chủ động ứng dụng việc chuyển đổi số, tuy nhiên kết quả còn khiêm tốn. Các HTX trong lĩnh vực này chủ yếu mới thực hiện một phần trong lĩnh vực chuyển đổi số. Một số HTX nông nghiệp, đặc biệt những HTX có nguồn nhân lực quản lý và lao động trẻ đã thích ứng, tích cực trong nâng cao năng lực, đầu tư kinh phí, đổi mới hệ thống quản trị gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng các phần mềm quản lý. Đặc biệt, một số HTX đã vận dụng chuyển đổi số từ khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm (sử dụng hệ thống thiết bị tưới nước, bón phân... tự động, bán tự động cho cây trồng, vật nuôi; sử dụng thiết bị giám sát sâu bệnh thông minh; nhật ký canh tác điện tử, ghi lại nhật ký quá trình canh tác...). Qua đó, có 16 đơn vị KTTT đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 - 4 sao, hữu cơ, GlobalGap... Bên cạnh đó, các HTX nông nghiệp còn kết hợp với các HTX thương mại, tiêu thụ sản phẩm thông qua phương thức thương mại điện tử (facebook, zalo, fanpage... ). Một số HTX còn tự xây dựng, thiết lập hoặc tham gia các trang bán hàng điện tử, kết nối các cửa hàng bán lẻ, tiêu thụ sản phẩm trực tiếp, hội chợ xúc tiến thương mại, giúp ổn định doanh thu và tăng thu nhập đối với thành viên HTX như: HTX Thanh long Hàm Đức, HTX Thanh long Thuận Tiến, HTX Thanh long hữu cơ Phú Hội, HTX rau an toàn Tiến Phát...
Ngoài ra, nhiều HTX được quan tâm, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, tạo lập các mã quét, mã QR để truy xuất thông tin, nguồn gốc sản phẩm bằng các ứng dụng, phần mềm. Đẩy mạnh việc thanh toán qua các nền tảng trực tuyến, ví điện tử, ngân hàng số (internetbanking), mobile money; sử dụng hóa đơn điện tử trong hoạt động thanh toán của HTX.
Cần nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số
Tuy nhiên, việc ứng dụng chuyển đổi số trong các HTX còn nhiều hạn chế. Cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị về công nghệ thông tin của HTX còn lạc hậu. Năng lực, trình độ của cán bộ quản lý HTX còn hạn chế, chủ yếu hoạt động theo kinh nghiệm, chưa qua đào tạo, độ tuổi trung bình khá cao nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận và thực hiện quá trình chuyển đổi số. Đặc biệt, việc chuyển đổi số đối với HTX nông nghiệp là vấn đề mới, đòi hỏi phải bắt đầu từ sự chuyển đổi trong nhận thức, hành động của mỗi cán bộ quản lý, thành viên của HTX. Đồng thời năng lực tài chính yếu, nên khó tiếp cận công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Để thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển HTX, UBND tỉnh yêu cầu tập trung tuyên truyền, chuyển đổi nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác các cấp, cán bộ chủ chốt, thành viên của HTX. Nêu rõ vai trò, tầm quan trọng của ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào hoạt động tổ chức quản lý, kinh doanh của HTX. Chỉ đạo Liên minh HTX tỉnh đẩy mạnh công tác tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ công nghệ thông tin và kỹ năng chuyển đổi số cho cán bộ quản lý, thành viên, người lao động trong HTX. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông nghiệp của các HTX; kiểm soát chất lượng, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông nghiệp bảo đảm nhanh chóng, chính xác, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường... Phải xây dựng mô hình HTX điểm thực hiện chuyển đổi số. Khi mô hình này hoạt động hiệu quả, phù hợp với điều kiện các HTX thì tiến hành nhân rộng để tăng số lượng HTX thực hiện chuyển đổi số.
Để những giải pháp trên sớm trở thành hiện thực, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh HTX Việt Nam quan tâm, hỗ trợ kinh phí để tổ chức các lớp tập huấn, tiếp cận sâu hơn về công nghệ thông tin. Rà soát, hoàn thiện và ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong phát triển HTX theo hướng bền vững. Đồng thời, tạo điều kiện triển khai thí điểm ở Bình Thuận 1 mô hình HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ số để làm điểm, qua đó hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong các HTX trên địa bàn tỉnh.