Theo dõi trên

Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

24/03/2023, 05:21

Vài năm trở lại đây, người dân đang dần chuyển dịch thói quen thanh toán sang các hình thức không cần tiền mặt. Thói quen này góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển đổi số, giảm các chi phí liên quan và giảm lượng tiền mặt trong lưu thông...

Thay đổi thói quen dùng tiền mặt

Sáng cuối tuần, tại một quán cà phê ở thị trấn Phan Rí Cửa – huyện Tuy Phong, sau khi nhâm nhi ly cà phê với bạn bè, tôi gọi tính tiền thì được nhân viên nơi đây tư vấn quét mã QR để thanh toán nếu khách có nhu cầu. Tôi khá ngạc nhiên vì ở thị trấn nhỏ nhưng đã nhanh chóng cập nhật công nghệ số, đáp ứng nhu cầu hạn chế dùng tiền mặt của người dân. Theo chủ quán, gần đây khách hay yêu cầu chuyển khoản để thanh toán tiền cà phê, nên đã tìm hiểu mở tài khoản và tạo bảng mã QR. Hầu như các nhà hàng, quán ăn hay đi mua sắm các nơi, tôi thấy đều nhận thanh toán qua thẻ, chuyển tiền khá tiện lợi. “Từ ngày tạo mã QR, tôi thấy khá tiện cho khách lẫn cho mình, chỉ cần quét mã QR xong là tiền đã chuyển vào tài khoản của tôi rồi. Như trước đây, ly cà phê 18.000 đồng, khách đưa 20.000 đồng hay 50.000 đồng, tôi phải vất vả tìm tiền lẻ thối lại”, chủ quán chia sẻ.

311111111111111-1650234390637.jpg
Quét mã QR thanh toán không còn xa lạ với bạn trẻ (ảnh minh họa).

Có thể thấy, thanh toán qua mã QR, ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking… đã trở thành thói quen hiện đại của nhiều người dân từ thành thị đến nông thôn, đặc biệt là khách hàng trẻ. Nếu như trước đây, người dân luôn phải mang theo nhiều tiền mặt khi đi ăn uống, mua sắm thì hiện nay chỉ với một tấm thẻ ATM hay điện thoại di động sẽ thanh toán mọi dịch vụ. Các cửa hàng, quán cà phê, nhà hàng và cả người bán hàng tại chợ truyền thống đã dần chấp nhận hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả người bán và người mua. Thậm chí, gần đây phần lớn các khoản sinh hoạt chi tiêu trong gia đình như: Tiền điện, tiền nước, tiền mạng, tiền học phí của con… đều được người dân thanh toán qua ứng dụng trên điện thoại.

Theo nhận định các chuyên gia ngân hàng, năm 2023 sẽ tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của hình thức thanh toán không tiền mặt khi người dân đang ngày càng trở nên quen thuộc hơn với hình thức này. Điều này được chứng minh một phần khi trong dịp Tết Quý Mão vừa qua, nhu cầu rút tiền mặt của người dân tại ATM giảm mạnh, không còn cảnh người dân xếp hàng dài ở các cây ATM để rút tiền, kể cả các cây ATM ở các khu vực đông dân cư hay tại các khu công nghiệp…

thanh-toan-khong-dung-tien-mat.png

Nhiều sản phẩm dịch vụ tài chính hiện đại

Được biết, giữa năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1715/KH-UBND về hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ban, ngành đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt gắn với nhiệm vụ chi trả chính sách an sinh xã hội. Qua hơn nửa năm triển khai, toàn tỉnh đã thực hiện thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công như: Thu thuế điện tử với giá trị 9.110 tỷ đồng/155.569 giao dịch; thu hộ tiền điện với giá trị là 2.181 tỷ đồng/1.543.949 giao dịch; tiền nước 108 tỷ đồng/ 360.160 giao dịch; thu học phí 61 tỷ đồng/10.684 giao dịch; thu viện phí với giá trị 0,31 tỷ đồng/234 giao dịch. Ngoài ra, đối với công tác chi ngân sách nhà nước (NSNN) và có nguồn gốc NSNN cho người hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp và người cung cấp hàng hóa, dịch vụ, Kho bạc Nhà nước tỉnh đã thực hiện thanh toán cá nhân qua tài khoản đối các đơn vị hưởng lương từ NSNN với tỷ lệ trên 98%. Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đã thực hiện chuẩn hóa thông tin dữ liệu của người hưởng trợ cấp BHXH và tăng cường các giải pháp vận động, khuyến khích phát triển người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai mạnh mẽ các phương thức chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt, tăng cường tuyên truyền, vận động người thụ hưởng tham gia.

Đặc biệt, Trung tâm Hành chính công tỉnh đã triển khai dịch vụ thanh toán điện tử trong thực hiện thủ tục hành chính thông qua các hình thức: Thanh toán thẻ qua máy POS đặt tại quầy thu phí, lệ phí của Trung tâm Hành chính công tỉnh; thực hiện thanh toán qua tài khoản thẻ. Hình thức thanh toán này sẽ góp phần tạo thuận tiện cho tổ chức, công dân trong việc thanh toán phí, lệ phí thủ tục hành chính bằng phương thức không dùng tiền mặt. Qua đó cho thấy, thanh toán các thủ tục hành chính không dùng tiền mặt là một dịch vụ tài chính số đang được tỉnh Bình Thuận đẩy mạnh triển khai. Đây được xem là khâu rất quan trọng trong cải cách hành chính, là xu thế tất yếu nhằm xây dựng hệ thống quản trị tài chính công hiện đại, minh bạch.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Thuận, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng đã và đang hình thành nhiều sản phẩm dịch vụ tài chính mới, hiện đại, tạo thuận lợi cho khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng và tiết kiệm chi phí giao dịch. Ngân hàng đang phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai thực hiện đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025, làm tốt công tác thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội trên địa bàn. Bên cạnh đó còn tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ, đảm bảo hoạt động thanh toán ổn định, an toàn, thông suốt. Qua đó tạo điều kiện thúc đẩy, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong dân cư, hướng tới một xã hội số, kinh tế số, cũng như thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành ngân hàng. Đồng thời triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh, bảo mật, an toàn trong thanh toán, bảo vệ khách hàng trước các thủ đoạn của tội phạm; tích cực phối hợp với Công an tỉnh triển khai các giải pháp kỹ thuật trong phòng, chống tội phạm đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động của đơn vị.

SONG NGUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Cuối năm 2022: 50% trường học, cơ sở y tế không dùng tiền mặt thanh toán
UBND tỉnh Bình Thuận vừa ban hành kế hoạch hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt