Theo đó, mục tiêu chung là thúc đẩy thực hiện quyền của NKT và Luật Người khuyết tật nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của NKT; tạo điều kiện để NKT tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội; xây dựng môi trường không rào cản bảo đảm quyền lợi hợp pháp của NKT và hỗ trợ NKT phát huy khả năng của mình.
Các hoạt động trợ giúp NKT tập trung thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách trợ giúp xã hội của Nhà nước ưu tiên đối với NKT theo quy định (trợ cấp hàng tháng, trợ giúp đột xuất) tại cộng đồng. Tập huấn nghiệp vụ, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác bảo trợ xã hội và các kỹ năng sống cho gia đình/NKT (kỹ năng chăm sóc, phòng tránh bạo lực). Thực hiện việc cung cấp các dịch vụ y tế nhằm giảm thiểu và phòng ngừa khuyết tật; triển khai các dịch vụ phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật ở trẻ trước khi sinh, trẻ sơ sinh và trẻ dưới 6 tuổi, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí.
Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả các chính sách về giáo dục đối với NKT; miễn, giảm học phí, hỗ trợ đồ dùng học tập; thực hiện các chính sách ưu đãi đối với giáo viên, nhân viên tham gia giáo dục NKT, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí; hỗ trợ thành lập các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập theo quy định. Tư vấn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm theo khả năng của NKT. Tổ chức đào tạo nghề, tạo việc làm đối với NKT; thống kê, đánh giá nhu cầu học nghề của NKT; hỗ trợ sinh kế đối với NKT và gia đình có NKT...
UBND tỉnh giao trách nhiệm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến NKT; thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội. Đồng thời, trợ giúp giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế đối với NKT, hỗ trợ NKT sống độc lập và hòa nhập cộng đồng. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, thăm hỏi, tặng quà nhân kỷ niệm Ngày người khuyết tật Việt Nam (18/4) và Ngày Quốc tế người khuyết tật (3/12)...