Quan niệm nhìn từ thực tế
Tôi hỏi hiểu theo Lê Bá Kông là thế nào, anh giải thích, trước năm 1975, giáo dục phổ thông miền Nam từ đệ nhất cấp đến đệ nhị cấp, học sinh ngữ Anh với bộ sách English For Today, ông Lê Bá Kông dịch bộ sách ra tiếng Việt kèm theo là Anh ngữ thực dụng. Thực dụng ở đây được hiểu là việc làm có giá trị thiết thực, mang lại lợi ích thực tế, không phù phiếm. Chắc ông Lê Bá Kông dịch ra chữ thực dụng theo nghĩa đó, chứ không phải hiểu theo nghĩa nhằm vào những gì mang lại lợi ích vật chất trước mắt cho mình, không quan tâm đến những mặt khác. Anh cười: Tôi nói theo Từ điển tiếng Việt đấy(*), chứ không phải tự tôi nghĩ ra đâu. Tôi hỏi ở bên ấy Từ điển tiếng Việt đâu ra mà nói thế? Anh bảo nhờ người ở quê mua gửi qua để con cháu tra cứu học thêm tiếng Việt, nó không nói được tiếng Việt coi như mất gốc, lo lắm. Rồi cuộc nói chuyện của chúng tôi xoay quanh vấn đề học tập, khi tôi nhắc đến tin vui anh đưa trên facebook về đứa cháu thi đạt danh hiệu học sinh giỏi. Tôi hỏi về thực trạng bồi dưỡng học sinh đi thi học sinh giỏi của cháu như thế nào, anh bảo không nghe cháu nói đến bồi dưỡng gì cả, nhà trường chọn và động viên những học sinh có năng khiếu, có đam mê bộ môn đưa đi dự thi, nhưng nếu học sinh không đồng ý thì thôi, không được ép. Với học sinh phổ thông có hai nội dung thi mà họ rất coi trọng, đó là các kỳ thi thể thao và thi khoa học. Họ đánh giá các giải thể thao cao hơn giải các kỳ thi kiến thức văn hóa; giải các kỳ thi ứng dụng kiến thức khoa học có tính tập thể cao hơn các giải cá nhân. Các cuộc thi Olimpic khoa học (Science Olympiad) họ rất khích lệ tinh thần làm việc theo nhóm, khuyến khích kỹ năng tư duy vận dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề thực tế trong cuộc sống, chẳng hạn như việc xử lý vấn đề môi trường sinh thái hiệu quả… chứ không thiên về lý thuyết, hay nặng về kỹ năng ghi nhớ.
Hỏi tại sao họ coi trọng giải thể thao của học sinh hơn giải thi kiến thức văn hóa. Anh nói họ quan niệm, tuổi đời để thực hiện đạt các giải thể thao rất ngắn, nằm trong độ tuổi thanh niên. Điều đó thể hiện rất rõ ở các kỳ thi thế vận hội Olympic, những vận động viên đạt thành tích cao phần đông còn rất trẻ ở tuổi học sinh, sinh viên. Khi hết tuổi thanh niên thì họ khó mà phát huy năng khiếu để đạt thành tích cao trong thể thao được nữa. Như trong túc cầu (bóng đá), những cầu thủ xuất sắc đến độ tuổi 29, 30 được xem là lão tướng rồi, vượt qua lứa tuổi ấy dẫu kỹ năng nghệ thuật cao đến đâu cũng khó mà phát huy sở trường để đạt thành tích vượt trội, nếu còn yêu nghề thì lui về sân sau làm huấn luyện viên. Họ rất coi trọng tính tập thể, tinh thần hợp tác đồng đội trong thi đấu, nên giá như đội túc cầu đạt giải của bang tổ chức khi trở về được nhà trường đón tiếp rất trang trọng. Còn kiến thức ở các bộ môn văn hóa, nếu đạt được những thành tích cao nhất qua các kỳ thi để nhận giải, nhà trường cũng tổ chức khen thưởng, nhưng xem đó là dấu mốc thể hiện năng lực trí tuệ bước đầu làm hành trang trên con đường chinh phục tri thức ở phía trước. Về lĩnh vực nâng cao trình độ trí tuệ để thành đạt đến đỉnh cao, con người có thể thực hiện suốt đời, sẽ không bao giờ muộn, nhưng phải có lòng đam mê, ý chí kiên trì mới là yếu tố quyết định thành công.
Khích lệ cái mới để phát huy
Anh bạn có một thời làm thầy giáo, đọc nhiều, quan sát những hiện tượng thực tế để viết, nên trao đổi về đề tài này anh thuyết minh tôi nghe khá thích thú. Tôi kể lại nội dung trao đổi đó cho một thầy giáo nghe. Thầy nói đúng là các kỳ thi học sinh giỏi ở nước ta còn nặng về kiểm tra kiến thức mang tính lý thuyết, ghi nhớ nhiều hơn vận dụng giải quyết vấn đề thực tiễn và chủ yếu khai thác năng lực cá nhân học sinh hơn là tinh thần đồng đội làm việc theo nhóm. Nhưng những năm học gần đây, việc tổ chức thi tài năng trẻ cho học sinh ở trường phổ thông đang có hướng mở ra đáng ghi nhận là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức các kỳ thi khoa học kỹ thuật sáng tạo, yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức để xử lý những vấn đề trong thực tế, chế tạo sản phẩm, như cách giáo dục của nhiều nước tiên tiến, song nội dung giáo dục thi cử theo hướng này chưa được thực hiện phổ biến rộng rãi ở các trường và các cấp học – từ tiểu học đến trung học phổ thông.
(*) Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức cũng giải nghĩa từ thực dụng: dùng vào việc thiết thật, không phù phiếm; thực dụng chủ nghĩa dt. (triết): chủ trương dùng hiệu quả đã nắm sẵn làm tiêu chuẩn cho chân lý.