Trong đó, tập trung duy trì ổn định diện tích các cây trồng lợi thế, giá trị gia tăng cao như cao su (45.000 ha), điều (18.600 ha)... gắn với thực hiện các biện pháp thâm canh, nâng cao chất lượng sản phẩm (năm 2022, sản lượng cao su ước đạt 65.400 tấn, tăng 2,3% so năm 2021; sản lượng hạt điều ước đạt 15.000 tấn, tăng 7% so năm 2021). Riêng diện tích thanh long toàn tỉnh đạt 27.898 ha, giảm 4.945 ha so với cuối năm 2021 (nguyên nhân do giá thanh long bấp bênh, người dân không chăm sóc, chặt bỏ, chuyển đổi mục đích sử dụng), sản lượng thu hoạch cả năm ước đạt 600.500 tấn, bằng 88,2% so cùng kỳ. Do đó, trong năm tập trung phát triển các vùng thanh long ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ. Ước đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 11.900 ha/KH 11.900 ha (đạt 100% KH) thanh long được cấp chứng nhận VietGAP (chiếm 42,7% tổng diện tích thanh long toàn tỉnh); hơn 517 ha thanh long được cấp giấy chứng nhận GlobalGAP và 93 ha thanh long được cấp chứng nhận hữu cơ.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản, năm 2022, Sở NN và PTNT tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh xây dựng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo HACCP. Phối hợp với các sở, ngành có liên quan và các địa phương kịp thời kết nối, tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thủy sản tại các thị trường có nhu cầu; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ, trưng bày sản phẩm; tổ chức hội nghị hướng dẫn đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử và “Xuất khẩu trái cây tươi Việt Nam trước bối cảnh tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt về phòng chống dịch Covid-19, thực thi Lệnh 248 và 249 của thị trường Trung Quốc”.
Bên cạnh đó, lập group riêng kết nối các doanh nghiệp, cơ sở có nhu cầu cung ứng sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm; thường xuyên cập nhật và thông tin kịp thời các quy định thị trường, tình hình tiêu thụ nông sản, đặc biệt là tình hình tiêu thụ thanh long tại các cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc để người dân, doanh nghiệp có kế hoạch điều tiết sản xuất, kinh doanh phù hợp...