Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, thời gian qua ngành giáo dục Bình Thuận thực hiện đảm bảo theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Cụ thể, phòng học, phòng chức năng, trang thiết bị đồ dùng dạy học được trang bị, mua sắm tương đối đảm bảo để thực hiện chương trình. Cơ bản bố trí đảm bảo giáo viên biên chế, hợp đồng giáo viên, phân công dạy học liên trường, liên cấp nhằm thực hiện dạy đúng dạy đủ các môn, hoạt động giáo dục bắt buộc theo chương trình, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học. Học sinh được tiếp cận với chương trình mới, SGK mới kết hợp với điều chỉnh, bổ sung nội dung dạy học góp phần đạt được mục tiêu chương trình, chất lượng giáo dục được nâng lên.
Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn về đội ngũ, không có nguồn giáo viên để tuyển dụng, dẫn đến không tuyển đủ tỷ lệ giáo viên/lớp, ảnh hưởng đến việc dạy học, đặc biệt là các môn học tiếng Anh, tin học, dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học. Kinh phí đầu tư còn hạn hẹp nên việc mua sắm thiết bị dạy học theo hướng tích cực, hiện đại như ti vi, bảng tương tác, hệ thống mạng còn nhiều hạn chế. Kinh phí tổ chức còn khó khăn nên không thể triển khai các hoạt động trải nghiệm theo chương trình giáo dục phổ thông 2018...
Tại buổi giám sát, Sở GD&ĐT kiến nghị Bộ GD&ĐT, quan tâm tham mưu với Chính phủ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chế độ chính sách liên quan đến phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đối với UBND tỉnh, cần quan tâm bố trí các nguồn lực tài chính, tạo điều kiện cho công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn đáp ứng thực hiện Chương trình GDPT 2018 và đảm bảo lộ trình nâng chuẩn giáo viên theo quy định Luật giáo dục năm 2019. Đồng thời, đầu tư kinh phí cho ngành giáo dục để tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy và học, đáp ứng thực hiện Chương trình GDPT 2018...
Phát biểu kết luận tại buổi giám sát, ông Nguyễn Hữu Thông – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Thuận cho biết: Mục đích của việc giám sát là làm rõ các kết quả đạt được, những vướng mắc, bất cập và nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan khi thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Đồng thời, đề xuất những giải pháp, kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông trong giai đoạn tới.
Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Thuận mong muốn ngành giáo dục tỉnh, cùng các ngành, các cấp, địa phương cùng chung tay nỗ lực khắc phục những khó khăn để triển khai thực hiện có hiệu quả việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong thời gian tới. Những kiến nghị, đề xuất của Sở GD&ĐT tại buổi giám sát sẽ được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận, tổng hợp, nghiên cứu làm việc với các cơ quan liên quan và báo cáo Quốc hội trong những kỳ họp sắp tới.