Cứ mỗi lần nhìn cả cây phượng đỏ rực hoa in lên nền trời biêng biếc, lòng lại rộ lên cảm giác khó tả, vừa thương nhớ, vừa tiếc nuối những ngày áo trắng sân trường. “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng, em chở mùa hè của tôi đi đâu…”, ca từ bài hát “Phượng hồng” dễ thương ấy ai chẳng “nằm lòng” những năm áo trắng. Không biết có phải do bản nhạc này không mà các cô thiếu nữ khi chụp hình với phượng thường chọn màu áo trắng tinh khôi bên chiếc xe đạp giỏ đầy hoa đỏ như một concept hoàn hảo. Cũng phải thôi trắng và đỏ là hai màu dung hòa nhau, cuốn hút mà không gây chói mắt người nhìn.
Trong những bức ảnh thì thế thôi chứ ai chẳng biết ngoài đời thực chả cô cậu học trò nào dám “to gan” hái cả giỏ phượng vỹ chỉ để chụp hình. Cây phượng trong sân trường có rực rỡ, chi chít hoa thế nào đi nữa cũng không được phép đụng đến. Muốn có bướm ép lưu bút thì chịu khó giờ ra chơi tìm, may mắn sẽ nhặt được hoa phượng vừa rụng, may mắn hơn nữa thì được hoa phượng cánh loang màu. Phượng cánh loang mà làm bướm thì còn gì đẹp hơn nữa!
Thời chúng tôi trẻ, Facebook hay Zalo chưa phổ biến như bây giờ thì lưu bút là thứ rộn ràng nhất trong mùa chia tay. Cách trang trí trang lưu bút phổ biến nhất là vẽ hoa, không nữa thì ép cánh bướm từ phượng vỹ. Ghép bướm từ cánh phượng không khó, không cầu kỳ và tốn nhiều thời gian nhưng cô cậu học trò nào cũng thích. Khi ép cánh hoa đỏ rực vào trang giấy trắng, hoa khô lại chuyển sang màu đỏ nhạt đẹp mắt, mịn và êm như nhung, lỡ mà cánh bướm vô tình rớt mất còn thấy màu đỏ in rõ hình trên giấy như thể hoa đã gom hết màu rực rỡ vẽ ra giấy. Thành ra giờ ra chơi cô cậu học trò nào cũng tranh thủ kiếm nhặt hoa phượng đẹp để ghép bướm ép lưu bút là vậy.
Năm chúng tôi sắp từ giã tuổi học trò đột nhiên cụ phượng bên sân bóng chuyền đỏ rực những hoa là hoa, không có gợn lá xanh chen chân vào. Sẽ chẳng có gì là lạ nếu những năm trước đó cụ sai hoa, điều làm mọi người ngạc nhiên là cụ phượng ấy chẳng khi nào cho hoa, chỉ một màu lá xanh mướt mát trong khi những cây khác đỏ rực, năm ấy lại đột nhiên đỏ rực như đống lửa giữa sân thể dục. Lũ chúng tôi hùa nhau nhặt hoa phượng, cánh to, dày và mượt êm. Có cậu bạn nọ cả gan trèo lên cây hái một chùm rực rỡ bỏ vào giỏ xe cô bạn thầm thương trộm nhớ để “ghi điểm” với người đẹp, chẳng biết thế nào câu chuyện nhuốm màu Romeo và Juliet ấy lại đến tai thầy hiệu trưởng. Lớp tôi bị phạt đứng khoanh tay suốt tiết toán của thầy. Thầy bảo:
- Cây cối cũng có linh hồn, cũng biết đớn đau. Cụ phượng đó là chứng nhân lịch sử chứng kiến bao đổi dời của thời gian.
Rồi thầy kể, giọng trầm khản đục vì tuổi không còn trẻ. Thời chiến tranh nơi chúng ta đang ngồi học là trại giam của giặc. Những người cộng sản bị bắt vào đây, tra tấn đến thân tàn ma dại. Mỗi ngày trôi đi là mỗi ngày u tối. Trong sân trại có 1 cây phượng vỹ, mỗi khi tháng 5 về rực rỡ một màu lửa cháy. Mỗi khi phượng nở, những người tù chính trị lết mình đến bên cánh cửa sổ nhìn ra khoảnh sân hẹp. Thứ màu đỏ rực ấy cháy trong mắt, chảy vào tim, nhắc nhở các anh phải bền gan đấu trí không được bỏ cuộc giữa chừng.
Rồi ngày giải phóng cũng đến. Nhà giam khi xưa được phá bỏ để xây dựng trường học. Cây phượng trong sân dần già cỗi, hoa thưa dần rồi tắt hẳn nhưng chưa bao giờ thầy có ý định chặt bỏ. Đó là người bạn nhắc nhớ lại những năm tháng khổ đau, nhắc nhớ mình phải kiên trì thực hiện lý tưởng mình đã chọn, kể cả khi quê hương mình không còn tiếng súng.
Các em còn trẻ chưa nếm trải nỗi đau, chưa thấu hiểu được đạo lý nhiều thầy không trách, thầy phạt vì thầy muốn các em ghi nhớ trước khi làm gì cũng nên suy nghĩ, tìm hiểu, đắn đo rồi hãy quyết định, đừng vì phút nông nổi mà hối hận về sau.
Bài học thầy dạy chúng tôi hôm đó không có hệ phương trình hai ẩn khô khan khó hiểu, bài học hôm đó là bài học chúng tôi ghi nhớ suốt đời chẳng thể nào quên được. Mỗi lần nhìn hoa đỏ rực trời tháng 5 tôi lại nhớ về trường cũ, về thầy, về câu chuyện thầy kể, tự nhủ mình phải học theo thầy bền chí thực hiện ước mơ le lói từ những năm áo trắng sân trường…
Khánh Ngân