Theo dõi trên

Thượng viện Pháp bỏ phiếu thông qua Dự luật cải cách hưu trí

13/03/2023, 09:20

Tối 11/3 (giờ địa phương), với tỷ lệ 195 phiếu thuận và 112 phiếu chống, Thượng viện Pháp đã thông qua dự luật cải cách gây tranh cãi đối với hệ thống hưu trí.

Ngày 12/3, Thượng viện Pháp đã đạt được sự đồng thuận, thông qua sớm hơn thời gian dự kiến Dự luật cải cách hưu trí của chính phủ, vốn đang gây ra các làn sóng đình công và tuần hành phản đối kéo dài từ gần 2 tháng qua tại Pháp.

Với đa số quá bán 195 phiếu thuận và 112 phiếu chống, Thượng viện Pháp đã thông qua Dự luật cải cách hưu trí của chính phủ, sau hơn 1 tuần tranh luận quyết liệt, đặc biệt là sự phản đối từ các Thượng Nghị sĩ cánh tả.

Phản ứng trước kết quả trên, Thủ tướng Pháp - bà Elisabeth Borne đánh giá, Dự luật cải cách hưu trí đã đạt được bước tiến quan trọng và hy vọng tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các Nghị sĩ thuộc đảng “Những người cộng hoà” (LR) cánh hữu, để có được đa số tuyệt đối tại Quốc hội mà không phải sử dụng đến công cụ cuối cùng là viện dẫn Điều 49.3 trong Hiến pháp để áp đặt thông qua.

thuong_vien_phap_bo_phieu_thong_qua_du_luat_cai_cach_huu_tri.jpeg.jpg

Thượng viện Pháp bỏ phiếu thông qua Dự luật cải cách hưu trí. Ảnh: Le Monde

Theo các nhà phân tích, việc Thượng viện Pháp sớm thông qua Dự luật cải cách hưu trí đã phần nào giảm bớt áp lực cho chính phủ đương nhiệm. Tuy nhiên, khác với Thượng viện, Dự luật này hiện vẫn đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ tại Quốc hội, nhất là từ các Nghị sĩ cánh tả, cực tả và cực hữu. Ngay cả các Nghị sĩ thuộc Đảng Những người cộng hoà hiện vẫn chia rẽ lớn đối với Dự luật này.

Chủ tịch Thượng viện Pháp - ông Gérard Larcher - thành viên đảng LR công khai bày tỏ mong muốn, Dự luật cải cách hưu trí cần được đệ trình để bỏ phiếu một cách dân chủ, hợp hiến và đúng thời hạn.

“Chúng ta đã vượt qua những bất đồng sâu sắc và thể hiện được dấu ấn của Thượng viện đối với dự luật này. Tôi có được cảm giác là chủ tịch của một thể chế đã thực hiện vai trò của mình với sự tận tâm, trách nhiệm và với mục tiêu duy nhất là vì lợi ích của đất nước và của người dân Pháp”, ông Gérard Larcher nói.

Trong khi đó, các cuộc tuần hành và đình công trong nhiều lĩnh vực ngành nghề do các nghiệp đoàn lớn nhất phát động tiếp tục diễn ra trên toàn nước Pháp trong ngày 11/3. Tổng công đoàn lao động Pháp (CGT) ước tính, đã có khoảng 1,3 triệu người Pháp đã tham gia hưởng ứng trong khi phía cảnh sát cho rằng quy mô đã giảm đi nhiều, chỉ bằng 1/2 con số mà các nghiệp đoàn đưa ra.

Theo dự kiến, Dự luật cải cách hưu trí sẽ được Hội đồng hỗn hợp Thượng viện và Quốc hội xem xét vào tuần tới, trước khi được đưa ra phiên bỏ phiếu quyết định tại Quốc hội vào ngày 26/3 tới.

Các lực lượng đối lập, đặc biệt là các đảng cực tả “Nước Pháp bất khuất” và đảng cựu hữu “Tập hợp quốc gia” tuyên bố sẽ tiếp tục phản đối và gửi kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ.

H LAN (TỔNG HỢP)


(0) Bình luận
Bài liên quan
Núi lửa Merapi tại Indonesia hoạt động, phun ra đám mây nóng cao 7 km
Cơ quan Quản lý Thảm họa Indonesia cho biết trong một tuyên bố, núi lửa Merapi ở nước này đã phun trào hôm 11/3, phun ra đám mây nóng cao tới 7 km.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thượng viện Pháp bỏ phiếu thông qua Dự luật cải cách hưu trí