Theo thống kê, trong 1 tháng triển khai cao điểm kiểm tra nồng độ cồn (từ 15/2 đến 14/3, lực lượng công an đã huy động 2.268 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia tuần tra kiểm soát. Qua đó đã phát hiện 949 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. Lực lượng chức năng đã ra quyết định xử phạt với tổng số tiền hơn 5,2 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 565 trường hợp và tạm giữ 951 phương tiện. Việc triển khai quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ xử lý các tài xế vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện thời gian qua đã tạo được những hiệu quả tích cực. Nhiều người đã không dám điều khiển phương tiện sau khi nhậu và đang từng bước hình thành nét văn hóa “Đã uống rượu, bia – không lái xe”.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên các ngành chức năng triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát “ma men ngồi sau tay lái”. Còn nhớ, ngày 1/1/2020, khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt chính thức có hiệu lực, lực lượng chức năng đã tổ chức cao điểm, thường xuyên ra quân kiểm tra, xử phạt nghiêm đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn. Mức xử phạt hành chính đối với vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông rất cao đã khiến nhiều người không dám điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu, bia. Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp, công tác kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng chức năng cũng bị gián đoạn do phải chia sẻ lực lượng tham gia vào công tác chống dịch. Vì vậy, nhiều người dù biết việc điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia là hành vi nguy hiểm và bị xử phạt rất cao nhưng vẫn vi phạm.
Do đó, để thực hiện nghiêm quy định đã uống rượu, bia thì không lái xe, một trong những giải pháp quan trọng là công tác kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn cần thường xuyên, liên tục, không chỉ vào các cao điểm lễ, tết hay những ngày cuối tuần. Việc xử phạt phải thật nghiêm và không có ngoại lệ thì mới đủ sức răn đe. Từ đó tác động tích cực đến ý thức của người tham gia giao thông phải chấp hành quy định pháp luật; hạn chế thói quen đã uống rượu, bia mà vẫn tham gia giao thông.
Năm 2023, được xác định là năm xử lý vi phạm về nồng độ cồn với mục tiêu nhằm giảm các vụ tai nạn giao thông, nhất là các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến bia, rượu. Theo đó, xuyên suốt trong năm, trên các tuyến đường bộ, đặc biệt là khu đô thị, khu công nghiệp… lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông. Các chuyên đề, kế hoạch xử lý vi phạm được đăng tải trên cổng thông tin Cục Cảnh sát giao thông cũng như công an các đơn vị địa phương. Thực hiện điều này, lực lượng công an toàn tỉnh đã triển khai quyết liệt các biện pháp tuần tra kiểm soát. Hiện nay, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã bố trí 3 ca tuần tra/ngày, đảm bảo 24/24 giờ đều có tổ tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm giao thông kết hợp kiểm tra nồng độ cồn.
Sự vào cuộc thường xuyên, liên tục từ các cơ quan chức năng và sự chung tay của toàn xã hội thì chắc chắn ý thức tuân thủ pháp luật giao thông của người tham gia giao thông sẽ ngày càng nâng cao.