Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản đang thiếu nguồn nguyên liệu. |
Ngư trường cạn kiệt
Ghé cảng cá Cồn Chà (TP. Phan Thiết) những ngày cuối năm, mặc dù gió bấc thổi mạnh, ghe thuyền nằm bờ nhiều nhưng anh Nguyễn Thanh Bình (phường Phú Hài) vẫn đang chuẩn bị nhu yếu phẩm để ra khơi. Anh Bình cho biết: Tôi đi biển như một thói quen, hơn 20 năm nay bám biển và xem biển là nhà. Dù đầu năm đến nay, sản lượng khai thác và lợi nhuận thu về không như mọi năm, nhưng hy vọng những chuyến biển cuối năm sẽ cho mình “lộc”.
Những tháng đầu năm, thời tiết ít thuận lợi, ngư trường ngày càng cạn kiệt khiến nhiều tàu thuyền hoạt động khai thác thủy sản trên biển gặp không ít khó khăn. Không chỉ vậy, giá dầu liên tục biến động, có thời điểm cao ngất buộc nhiều tàu phải nằm bờ, bởi thu không thể bù chi sau mỗi chuyến ra khơi. Rồi lao động mỗi năm bỏ biển lên bờ một nhiều, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động ngày càng nghiêm trọng. Không tìm đủ thuyền viên ra khơi, các chủ tàu cũng đành gác lại chuyến biển. Khó khăn chồng chất, tưởng chừng hoạt động khai thác hải sản không đạt hiệu quả. Nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng, thành lập nhiều mô hình, tăng cường hình thức tổ, đội sản xuất trong khai thác, 187 tổ đoàn kết/4.305 thành viên và 5 nghiệp đoàn nghề cá vẫn duy trì hoạt động, hỗ trợ nhau những lúc khó khăn. Bên cạnh đó, nguồn lợi hải đặc sản (sò điệp, sò lông…) trong vụ cá nam bỗng xuất hiện nhiều và kéo dài hơn những năm trước, nên nhiều ngư dân thu hoạch khá bù qua những tháng khác trong năm. Nhờ đó, sản lượng khai thác hải sản năm 2019 đạt 221.000 tấn/kế hoạch 210.000 tấn (105,2%), tăng 1,5% so với năm 2018.
Nguyên liệu khan hiếm
Cùng với khó khăn của ngư dân, các công ty chế biến xuất khẩu thủy sản trong tỉnh cũng ít gặp thuận lợi khi nguồn nguyên liệu vô cùng khan hiếm. Nhiều công ty phải gom nguyên liệu từ các tỉnh, thành khác để ổn định sản xuất hoặc cắt giảm đơn hàng vì không đủ nguyên liệu để cung cấp cho đối tác. Bên cạnh đó, việc cảnh báo thẻ vàng cho Việt Nam về việc đánh bắt bất hợp pháp trong thời gian qua đã khiến cho các doanh nghiệp hải sản gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu vào thị trường EU. Đại diện Công ty TNHH Thương mại Hải Tiến (Phan Thiết) chia sẻ: “Trước đây, thị trường Nhật tương đối ổn định đối với thủy sản Việt Nam, mặc dù nước này không ràng buộc các doanh nghiệp bằng các chứng nhận về chất lượng nuôi trồng và sản xuất, nhưng với yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm cũng như nhiều chỉ tiêu kiểm soát chất lượng với mức dư lượng cho phép thấp nhất trong các thị trường nhập khẩu thủy sản khác, khiến các công ty chế biến, xuất khẩu sang thị trường này đang gặp khó khăn”. Không chỉ vậy, các thị trường khác như Hàn Quốc, Đài Loan… cũng bắt đầu đưa ra những chính sách khắt khe hơn.
Trong điều kiện bất lợi về thời tiết cũng như nguồn lợi thủy sản giảm, nhưng nhiều ngư dân đã chủ động bám biển, ngành chức năng nỗ lực thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác vùng biển xa và sự chủ động thay đổi phương thức sản xuất của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản trong tỉnh đã giúp ngành thủy sản Bình Thuận tăng trưởng ổn định và dự báo năm 2020 đạt kết quả khả quan hơn.
Toàn tỉnh có khoảng 366 cơ sở, 42 doanh nghiệp chế biến hải sản tươi, đông lạnh và hơn 200 cơ sở sản xuất nước mắm. Trong năm, sản lượng thủy sản chế biến đạt hơn 54.000 tấn/kế hoạch hơn 48.000 tấn, tăng 3,6% so với năm 2018. Sản lượng nước mắm đạt 41 triệu lít, tăng 2,2% so cùng kỳ năm ngoái. |
Minh Vân