Theo dõi trên

Tiềm ẩn rủi ro tai nạn trên biển vụ bấc

29/11/2016, 10:03

BT- Thời gian gần đây, ngư dân tham gia đánh bắt hải sản trên biển thường xuyên gặp tai nạn tử vong do sóng to, gió lớn.

Những chuyến biển không về!

Khoảng 16 giờ 20 phút chiều 25/11, tàu cá BTh 96802 TS gồm 7 lao động, do ông Nguyễn Thanh Sơn (40 tuổi), trú tại xã Tân Phước, thị xã La Gi làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng khi đang hành nghề câu mực cách cửa biển La Gi khoảng 50 hải lý về phía Nam, thì phát hiện thuyền viên Nguyễn Đình Long (27 tuổi, ngụ La Gi) không có mặt trên tàu. Trước đó một số thuyền viên nhìn thấy anh Long tranh thủ sau giờ đánh bắt đã nằm ngủ trên nóc cabin tàu trong khi biển đang động. Nhiều khả năng do sóng lớn thuyền chao, anh Long bị rơi xuống biển mất tích. Khi thuyền viên Nguyễn Đình Long đang được tìm kiếm chưa có kết quả thì khoảng 4h ngày 27/11, tàu cá mang số hiệu BTh 872 TS, đang hành nghề trên biển với 5 lao động tiếp tục bị chìm do biển động. Vụ việc xảy ra làm thuyền viên Nguyễn Ngọc (ngụ phường Mũi Né) tử vong, 4 thuyền viên còn lại được cứu sống đưa vào bờ. Trước đó, khoảng 14h30 ngày 30/10 thuyền viên Trương Ngọc Toàn (SN 1995, trú tại khu phố 7, Phước Lộc) trong khi tham gia đánh bắt hải sản trên thuyền BTh 96115 TS, do ông Nguyễn Xuồng (trú tại khu phố 6, phường Phước Lộc, thị xã La Gi) làm chủ, hành nghề câu mực cũng bị sóng đánh rơi xuống biển và mất tích cách cảng Phú Hài khoảng 10 hải lý về phía Nam. Đến ngày 2/11, thuyền BTh 96115 đã tìm thấy thi thể của anh Toàn đưa vào bờ.

 Rủi ro mùa biển động

Hiện nay ngư dân đang đánh bắt vụ cá bấc cũng là thời điểm ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc (ngư dân một số nơi còn gọi là gió chướng) nên biển thường xuyên động với giông, lốc xoáy tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với người đi biển. Thực tế những ngày gần đây trên vùng biển của Bình Thuận đã liên tiếp xảy ra các vụ lao động biển gặp gặp tai nạn, mất tích. Hầu hết những người tử vong thường là các thuyền viên làm thuê (đi bạn) có cuộc sống khó khăn, là lao động chính trong gia đình, do đó mỗi khi sự cố xảy ra đã ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế gia đình. Ông Nguyễn Văn Tùng, ngư dân phường Hưng Long (TP. Phan Thiết) cho biết: Theo kinh nghiệm của ngư dân, mùa biển động đánh bắt dù lượng cá nhiều và bán được giá, song chủ tàu và thuyền viên cũng “đánh cược” mạng sống khi tiềm ẩn không ít rủi ro. Dẫu biết thế, nhưng biển là nguồn sống chính không gì thay thế nên vẫn phải dong thuyền ra khơi để kiếm cái ăn. “Hầu như ngư dân nào ra khơi mùa này đều sẵn sàng ứng phó sự cố, hạn chế tai nạn, tuy nhiên chuyện rủi ro giữa biển khơi không ai lường trước được nên cũng chỉ cầu mong trời đất phù hộ cho những chuyến biển bình an”, ông Tùng nói.

Từ những sự việc trên và thực tế vụ cá bấc biển thường động, để đảm bảo an toàn cho những chuyến ra khơi, bên cạnh sự hỗ trợ của các lực lượng chức năng của tỉnh trong công tác thông tin thời tiết, cứu hộ cứu nạn trên biển, thì mỗi chủ tàu và thuyền viên trước khi ra khơi cần có nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn cho người và tàu cá.

P.Sinh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiềm ẩn rủi ro tai nạn trên biển vụ bấc