Như tin đã đưa, Hà Nội xuất hiện bệnh nhân thứ 2 bị mắc bệnh viêm màng não mô cầu kể từ đầu năm đến nay. Trước đó, ngày 29/2, bệnh nhân đầu tiên đã được ghi nhận là 1 nam giới, 30 tuổi, ở huyện Đông Anh.
Bệnh nhân nam, 24 tuổi, tên N.V.V, là thợ sơn, ở thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Người nhà bệnh nhân cho biết, ngày 1/3 anh V đang đi làm thấy người mệt và bủn rủn chân tay. Sau khi ăn trưa, anh V càng mệt hơn, buồn nôn và nôn nhiều. Trên đường về nhà, anh rẽ vào một phòng khám trên đường Giải Phóng để khám, bác sĩ nói bị tụt huyết áp và chuyển anh sang cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh nhân đầu tiên mắc viêm màng não mô cầu 30 tuổi, ở huyện Đông Anh. |
Đến ngày 2/3, bệnh nhân thấy đỡ mệt, khỏe và xin về nhà. Tuy nhiên, đến 6h sáng hôm 3/3, anh V lại buồn nôn, đau đầu và được người nhà đưa vào cấp cứu tại BV Việt Đức. Tại đây, các bác sỹ chuẩn đoán anh V bị viêm màng não do não mô cầu. Vì thế, anh được đưa sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Các bác sĩ tại bệnh viện đã làm các xét nghiệm và chiều 4/3 chính thức kết luận anh bị viêm màng não mô cầu. Đến chiều tối 4/3, bệnh nhân ổn định, tỉnh táo nhưng vẫn còn mệt.
Bệnh viêm màng não mô cầu lây qua đường hô hấp
Trước diễn biến của bệnh viêm màng não mô cầu, ngày 4/3, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, vào tiết đông xuân dịch viêm màng não do mô cầu thường gia tăng. Đây là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningtidis gây nên.
Bệnh lây qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh. Trước kia, bệnh dễ gây thành dịch lớn và có số ca nhiễm bệnh và tử vong cao. Tuy nhiên, hiện nay số nhiễm bệnh đã giảm đi rất nhiều.
Dẫn thống kê, Cục y tế dự phòng cho biết, tính từ năm 2011 tới nay, cả nước có 610 ca nhiễm bệnh và năm có số người mắc bệnh cao nhất là năm 2011 với 272 ca nhiễm viêm não mô cầu.
Từ năm 2012, số ca nhiễm bệnh viêm não do mô cầu cũng như các ca tử vong do bệnh đã giảm dần. Từ đầu năm 2016 tới nay, cả nước đã xuất hiện 6 ca nhiễm viêm não mô cầu, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Trước tình hình đó, ngày 25/2/2016, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế đã có công văn số 175/DP-DT đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/thành phố chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh do não mô cầu.
Hiện nay, tại các ổ dịch đều được Trung tâm Y tế dự phòng các địa phương tập trung giải quyết, theo dõi, cách ly tại nhà bệnh nhân và thực hiện các biện pháp cần thiết để không để dịch có nguy cơ lan rộng.
Người dân đua nhau tìm vaccine để tiêm
Cách phòng tránh hữu hiệu để bảo vệ bản thân khỏi bệnh nguy hiểm này là tiêm phòng. Để phòng bệnh viêm não, màng não do não mô cầu, tránh lây lan trong cộng đồng, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau: Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc. Chủ động tiêm phòng vaccine phòng bệnh cho trẻ, vaccine được tiêm tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Sau khi xuất hiện các ca viêm màng não mô cầu tại Hà Nội, nhiều người dân đã tìm cách đi tiêm phòng bệnh. Tuy nhiên, nhiều điểm tiêm vaccine dịch vụ trên địa bàn Hà Nội đã hết hàng, trong tháng 4 tới, nó mới được nhập về.
Theo thông tin của Cục Y tế Dự Phòng Bộ Y tế, có 2 loại vaccine phòng ngừa viêm não mô cầu là vaccine BC (cho trẻ 3 tháng tuổi trở lên) và AC (cho trẻ trên 21 tháng tuổi và người lớn). Sau tiêm 10 ngày, cơ thể sẽ có miễn dịch bảo vệ và kháng thể nhưng sau 3 năm sẽ giảm, do đó sau thời gian này cần tiêm nhắc lại mũi thứ 2. Chiều 4/3, nhiều điểm tiêm dịch vụ trên địa bàn Hà Nội đã hết vaccine.
Thu Thủy/VOV