Tại đây, ông Trần Quốc Dũng, Giám đốc Trung tâm chứng nhận phù hợp (QUACERT) trong phần giới thiệu tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp nhằm thúc đẩy ngành Halal Việt Nam đã khái quát về hệ sinh thái, tiêu chuẩn và đánh giá phù hợp, định hướng hoạt động chứng nhận Halal tại Việt Nam - Halal tiếng Ả rập là những điều được phép, theo luật Hồi giáo. Thị trường Halal (cách gọi về thị trường khu vực Hồi giáo) được đánh giá tiềm năng và là cơ hội cho Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghiệp phục vụ thị trường này (công nghiệp Halal). Các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các sản phẩm như thực phẩm, đồ uống, dược, mỹ phẩm, hàng may mặc; hay dịch vụ du lịch (trang trí phòng khách sạn, nhà hàng) ở Bình Thuận phù hợp với các nước Hồi giáo sẽ thuận tiện xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Halal, đáp ứng phục vụ khách hàng các nước này sang du lịch ở địa phương.
Với tiêu chuẩn Halal, có TCVN 13888:2023 đánh giá sự phù hợp, yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận sản phẩm, quá trình, dịch vụ Halal. Như ở Bình Thuận chế biến thủy sản, nông sản như thanh long đáp ứng các yêu cầu chung về thực hành nông nghiệp sạch (VietGAP, EuroGAP…); trong giết mổ gia súc phù hợp tính nghi lễ người Hồi giáo sử dụng chích điện; sử dụng nhân sự là người Hồi giáo như người đứng đầu, nhân viên, nhóm ra quyết định chứng nhận. Ngành Halal Việt Nam đang có các sản phẩm xuất khẩu: hải sản, hoa quả (tươi/sấy), trà, sản phẩm đường, mì, bánh đa (bánh tráng).
Chia sẻ về những động lực tăng trưởng chính của thị trường Halal, TS. Hà Minh Hiệp, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, quy mô thị trường Halal toàn cầu khá lớn, đạt 2.200 tỷ USD năm 2020, dự kiến 3.200 tỷ USD năm 2025 và 5.000 tỷ USD vào năm 2030. Thị trường tiềm năng với tốc độ tăng trưởng hàng năm 6,2%. Ngoài ra, GDP bình quân đầu người Hồi giáo tăng 4,2% đến năm 2024; dân số Hồi giáo lớn và đang phát triển, đạt 2 tỷ người vào năm 2023; dự kiến đạt 2,3 tỷ người vào năm 2030; chiếm 1/3 dân số thế giới. So với các nước trong khu vực, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sản phẩm cho thị trường Halal với vị trí địa lý thuận lợi, có nhiều thế mạnh về nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dịch vụ. Bên cạnh đó, Việt Nam là thị trường rộng lớn, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, toàn diện khi tham gia nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, trong đó có các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. “Với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin chính xác về yêu cầu của tiêu chuẩn Halal của các thị trường cũng như yêu cầu về chứng nhận Halal, trong thời gian trước mắt, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sẽ thành lập Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia”, TS. Hà Minh Hiệp nói.
Về định hướng phát triển ngành Halal của Việt Nam, Chính phủ hoàn thiện các quy định quản lý ngành Halal; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn Halal; xúc tiến thương mại sản phẩm Halal; hợp tác quốc tế, trước mắt đã được công nhận bởi UAE, Saudi Arabia, Quata, Malaysia, Indonesia, Pakistan.
Việc nắm vững thông tin về các quy định, tiêu chuẩn của thị trường Halal là chìa khóa quan trọng để thúc đẩy việc đưa hàng hóa của Việt Nam (trong đó có Bình Thuận) gia nhập thị trường này ngày càng thuận lợi.